Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng trên quy mô toàn quốc, Bộ Y tế nói gì?

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến tháng 8 năm 2023, Bộ Y tế mới được cấp kinh phí để mua vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng

Ghi nhận thiếu vắc xin hầu hết trên quy mô toàn quốc

Ngày 15.12, Bộ Y tế tổ chức cuộc gặp mặt báo chí, cung cấp thông tin y tế. Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, chương trình Tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Chương trình luôn được Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên nguồn kinh phí cũng như bố trí việc cung ứng vắc xin đảm bảo kịp thời, đến nay đã đạt được những thành quả.

PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh, để đảm bảo phòng chống những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trẻ nhỏ - lứa tuổi sức đề kháng kém, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ luôn có khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có tình huống thiếu vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, tháng 8 năm 2023, Bộ Y tế mới được cấp kinh phí để mua vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.

“Thực tiễn, chúng tôi cũng đã có kế hoạch cung ứng vắc xin từ năm 2022, cho nên số vắc xin đã được “gối đầu” một phần sang năm 2023. Chúng ta chỉ thiếu vắc xin 5 trong 1 từ tháng 2 và thiếu vắc xin DPT tiêm nhắc lại phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván (thời điểm 18-24 tháng) từ tháng 4. Với hầu hết vắc xin còn lại, chúng ta được cung ứng đến tháng 10.2023”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay.

Thiếu vắc xin Tiêm chủng mở rộng trên quy mô toàn quốc, bao giờ có đủ trở lại? -0
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Ảnh: Xuân Quý)

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, trước tình trạng thiếu vắc xin, để đối ứng với việc sớm bảo vệ trẻ, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là đối với vắc xin 5 trong 1 phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib, Bộ Y tế đã nỗ lực vận động các nguồn tài trợ từ tháng 7.2023.

Qua đó, Bộ Y tế đã nhận được từ nguồn tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cùng với nhà tài trợ trong nước 258.000 liều vắc xin 5 trong 1; kịp thời phân bổ trong tháng 9, tháng 10.

Mới đây, ngày 14.12, Bộ Y tế nhận hỗ trợ từ Chính phủ Úc 490.600 liều vắc xin 5 trong 1. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận số vắc xin này để sớm cung ứng cho các địa phương triển khai tiêm chủng bù cho trẻ.

Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phân bổ vắc xin theo nhu cầu và hướng dẫn các địa phương triển khai theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, ưu tiên vắc xin được phân bổ để tiêm chủng cho trẻ chưa được tiêm mũi 1 vắc xin 5 trong 1. Ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn, bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi. Thứ hai là tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1, bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi.

PGS.TS Dương Thị Hồng thông tin, vắc xin nhận viện trợ từ Tổ chức Y tế thế giới, của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Chính phủ Úc lần này có chỉ định để tiêm chủng cho các trẻ cho đến 18 tháng tuổi. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai tiêm sớm.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ khẩn trương chuyển số vắc xin này sang Viện kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế ngay ngày 16.12 để sớm có kết quả chỉ định xuất xưởng. Ngay sau đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ vận chuyển khẩn trương nhất trong hệ thống chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tới tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Thiếu vắc xin Tiêm chủng mở rộng trên quy mô toàn quốc, bao giờ có đủ trở lại? -0
Đại diện các Cục, Vụ Bộ Y tế tại cuộc gặp mặt báo chí, cung cấp thông tin y tế (Ảnh: Xuân Quý)

Khẩn trương tiêm bù, tiêm vét cho tất cả trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đối với các vắc xin khác trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hầu hết là vắc xin sản xuất trong nước. Theo quy định hiện hành phải trải qua rất nhiều bước, quy trình (9 bước). Bộ Y tế, Bộ Tài chính đang phối hợp rất chặt chẽ để giải quyết phần thủ tục.

Ngay sau khi có giá vắc xin do 2 Bộ phê duyệt, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ khẩn trương ký kết hợp đồng cung ứng vắc xin. Hiện nay, các nhà sản xuất trong nước cũng đã có một cơ số vắc xin nhất định để giao ngay cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sau khi hoàn tất các thủ tục về tài chính.

Bên cạnh đó, Viện cũng hướng dẫn cho tất cả cán bộ các tuyến trong rất nhiều văn bản, hội nghị hướng dẫn chuyên môn để theo dõi, quản lý đối tượng tiêm chủng.

“Ngay sau khi được cấp vắc xin, chúng ta sẽ tiến hành tiêm bù, tiêm vét cho tất cả các bé chưa được tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình Tiêm chủng mở rộng quý 1.2024 để có thể bao phủ lại tỷ lệ tiêm chủng, phòng tất cả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, duy trì thành quả dày công vừa xây đắp, vừa duy trì trong rất nhiều năm vừa qua", PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

Chuyên gia này cho biết, dù thời gian qua có hiện tượng thiếu vắc xin, nhưng số tiêm chủng trên quy mô toàn quốc vẫn đạt 66% tiêm chủng đầy đủ. Riêng đối với vắc xin có thành phần tương tự như vắc xin 5 trong 1 - tức là phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã đạt được tỷ lệ 52,6 %, cho thấy thực tế các bà mẹ rất quan tâm đến sức khỏe của trẻ.

Rất nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ bà mẹ đưa con đi tiêm chủng ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ với vắc xin có thành phần tương tự vắc xin 5 trong 1 lên đến 60-70%.

PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh, việc tiêm bù, tiêm vét hết sức quan trọng để phòng chống dịch. Hiện nay, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã có khuyến cáo các đơn vị tăng cường giám sát các bệnh trong chương trình Tiêm chủng mở rộng ở 63 tỉnh, thành phố; hướng dẫn các cơ sở điều trị tăng cường tiếp nhận khám bệnh với các cháu bé bị nhiễm khuẩn đường hô hấp để xử lý kịp thời.

“Việc tiêm vắc xin chậm, tiêm vắc xin muộn, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của Việt Nam, chúng ta không mong muốn việc này xảy ra. Chúng ta hiểu rằng, việc khẩn trương tiêm càng sớm càng tốt, sau khi vắc xin được cung ứng là vô cùng quan trọng”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói.

Vì sao thiếu hụt vắc xin?

Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thực chất từ năm 1985 đến nay, hầu hết chương trình Tiêm chủng mở rộng là do ngân sách Trung ương bao phủ, từ mua sắm cho đến tổ chức.

Thiếu vắc xin Tiêm chủng mở rộng trên quy mô toàn quốc, bao giờ có đủ trở lại? -0
Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Xuân Quý)

Nguyên nhân thiếu hụt vắc xin là do giai đoạn năm 2016-2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được bố trí kinh phí mua vắc xin từ nguồn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài nguồn mua vắc xin theo hình thức hoạt động của Dự án, vắc xin được hỗ trợ từ Tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác viện trợ. Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ nguồn lực từ GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức hỗ trợ do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển, một số loại vắc xin viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận.

Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vắc xin từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai...

Trước yêu cầu thức tiễn, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10.7.2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05.8.2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc xin, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01.7. 2016. Hiện tại, Nghị định sẽ sửa đổi theo hướng bố trí kinh phí của Trung ương để mua vắc xin.

“Với việc đồng bộ về cơ sở pháp lý, đồng bộ về tài chính, tôi tin rằng sang năm 2024, chúng ta sẽ không còn tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng", ông Hoàng Minh Đức nói.

Sức khỏe

Bộ Y tế tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2024
Sức khỏe

Bộ Y tế tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2024

Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, bánh trung thu tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Quang cảnh lễ ký kết
Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế ký kết chuyển giao kỹ thuật ghép thận

Ngày 12.9, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ Trần Quốc Luận cùng đoàn công tác của Bệnh viện đã có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế để tham quan học tập các kỹ thuật ghép thận, kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ – bỏng, đồng thời ký kết hợp đồng để Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện và chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ