Đó là thông tin từ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất và sinh phẩm y tế (Polyvac) - Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Đăng Hiền. Được biết, trong năm nay Trung tâm đã xuất khẩu 1 triệu liều vaccine sởi đi Ấn Độ. Trước đó, Polyvac và các đối tác Bangladesh cũng đã có nhiều cuộc làm việc, để có thể sớm ký kết hợp đồng xuất khẩu vaccine rota do Polyvac sản xuất đi Bangladesh.
GS.TS Nguyễn Đăng Hiền cho biết, hiện tại, Polyvac đang sản xuất các loại vaccine sởi, vaccine sởi - rubella, vaccine ngừa virus rota và vaccine bại liệt, một phần lớn trong số này phục vụ cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia của Việt Nam.
Việt Nam là một trong các quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chuyển giao công nghệ mRNA sản xuất vaccine và Polyvac là đầu mối tiếp nhận công nghệ này. Dự kiến trong tuần tới, đoàn chuyên gia của WHO sẽ đến Việt Nam, làm việc với Polyvac để trao đổi về các vấn đề liên quan.
Việt Nam là nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia (NRA) của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận. Công nghệ mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn, không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch Covid-19 mà còn giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.
Được biết, đến nay Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất bảo đảm cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng với 11/12 loại vacccine, góp phần bảo đảm an ninh vaccine quốc gia. Đồng thời, là 1 trong 7 quốc gia được WHO chọn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha 3 vaccine lao. Đây cũng là cơ hội để phát huy các ưu thế của Việt Nam trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cơ hội tiếp cận vaccine mới khi đủ điều kiện.