Theo thông tin của Bộ Y tế, hiện đã có một doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp phép đăng ký lưu hành vaccine này.
Tại Tọa đàm Tiêm chủng vaccine an toàn - nâng cao nhận thức cộng đồng, do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ngày 10.7, Phó giáo sư Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, những năm gần đây bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp với tỷ lệ trẻ mắc tăng cao do đây là bệnh dễ lây truyền qua tiếp xúc. Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo các đơn vị chức năng để tìm nguồn nghiên cứu, phát triển vaccine phòng ngừa bệnh này.
Hiện nay, vaccine tay chân miệng đã được nhập khẩu về Việt Nam. Sau khi hoàn thành các bước đánh giá an toàn, chất lượng... sẽ được cơ quan chức năng xem xét đưa ra thị trường.
Cũng theo ông Dũng, theo quy định, dù vaccine nhập khẩu đã được cấp phép ở nước sở tại song khi về Việt Nam phải kiểm định lại, khi đạt tiêu chuẩn một lần nữa mới được đưa vào sử dụng. Vì vậy, người dân có thể yên tâm về chất lượng vaccine được sử dụng hiện nay.
Hiện, Bộ Y tế luôn nỗ lực để đủ vaccine cho cả Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Thời gian qua, có tình trạng thiếu vaccine do một số nguyên nhân liên quan nhà sản xuất, cung ứng, mua sắm… nhưng là cục bộ, sẽ được giải quyết thời gian tới.
Về việc kiểm soát chất lượng vaccine từ khi sản xuất đến nhập khẩu và sử dụng tiêm chủng, Phó giáo sư Lê Việt Dũng khẳng định Cục Quản lý dược là đơn vị theo dõi chất lượng vaccine, cấp phép lưu hành, kinh doanh, kiểm soát thông tin, theo dõi phản ứng sau tiêm… cùng các đơn vị khác của bộ.
Hệ thống quản lý an toàn vaccine của Việt Nam đang ở cấp độ 3, là cấp độ rất cao, Việt Nam chỉ thiếu 1 điểm để đạt cấp độ 4 như các nước phát triển là thiếu dược sỹ tại cửa khẩu nơi nhập khẩu vaccine.
Bà Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, theo lộ trình, sẽ có nhiều loại vaccine mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Vaccine Rotavirus dự kiến trong năm nay sẽ đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều tỉnh thành, sau đó sẽ triển khai trên toàn quốc vào năm 2024.
Ngoài ra, 3 loại vaccine phòng bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa dự kiến được đưa vào tiêm chủng miễn phí lần lượt từ năm 2025, năm 2026 và năm 2030. Việc đưa thêm 4 loại vaccine vào Chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội tiếp cận vaccine để phòng bệnh.