Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

- Thứ Hai, 04/12/2023, 16:53 - Chia sẻ

Sau 33 năm phòng, chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS, từ đó, từng bước được khống chế, kiểm soát. Song, những năm gần đây, dịch này đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.

Ngày 14.8.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Giai đoạn hiện nay, có nhiều thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS, nguồn lực phòng chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS, cùng với sự hiểu biết của người dân về HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV và các quần thể đích được nâng lên trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ, qua 33 năm đương đầu và đáp ứng với dịch HIV/AIDS, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay, Ban Bí thư đã 3 lần ban hành chỉ thị liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Gần đây nhất là Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 6.7.2021 về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 -0
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS của thế giới.   Ảnh: ITN

Với sự cam kết và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS. Độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục được mở rộng và cải thiện về chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam.

Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS. Các địa phương tăng cường bố trí ngân sách cho chương trình này thông qua các đề án hoặc kế hoạch, bảo đảm tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục huy động và nhận được nguồn hỗ trợ đáng kể từ các tổ chức quốc tế.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm và khoảng hơn 200.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS của thế giới, không chỉ về sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện mà còn có các cam kết chính trị rất mạnh mẽ và kịp thời.

Tuy nhiên, sau một thời gian từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS thì những năm gần đây, đại dịch này đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Mỗi năm đều có hơn 10.000 trường hợp nhiễm mới: năm 2020 là 13.955, năm 2021 là 13.223, năm 2022 là 11.037 và 9 tháng đầu năm 2023 là 10.219 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện.

Trong số trường hợp nhiễm mới được phát hiện năm 2023, hơn 60% được phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh. Nam giới chiếm hơn 80% tổng số nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm, đặc biệt từ năm 2020 trở lại đây.

Năm 2022, có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm từ 15-29 tuổi. Quan hệ tình dục đồng giới ở nam và người chuyển giới nữ là những nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở hiện nay (xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện). Độ bao phủ của các dịch vụ hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Những thách thức này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết tâm vào cuộc để đạt được mục tiêu tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam chậm nhất vào năm 2030.

Giám đốc Trung tâm Phòng, ngừa và kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) BS Eric Dziuban cũng đồng ý rằng, vai trò lãnh đạo của cấp ủy các địa phương là yếu tố then chốt để duy trì kiểm soát dịch bệnh lâu dài.

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các Bộ, ngành, các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân. Cùng với đó, tiếp tục đồng bộ các giải pháp chiến lược, tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông, quết tâm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về việc tổ chức Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 triển khai trên toàn quốc kéo dài từ ngày 10.11 đến ngày 10.12.2023 với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hải Yến
#