Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hoặc chất độc có hại, có thể gây ra một loạt các triệu chứng, phổ biến nhất là đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn và chán ăn.
Phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính có nguy cơ bị ngộ độc cao hơn. Một số loại thực phẩm có nhiều khả năng gây ngộ độc thực phẩm hơn những loại khác, đặc biệt nếu chúng được bảo quản, chế biến hoặc nấu không đúng cách.
Dưới đây là một số loại thực phẩm dễ gây ngộ độc:
Thịt gia cầm
Các loại gia cầm sống và nấu chưa chín kỹ như thịt gà, vịt, gà tây có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao. Điều này chủ yếu là do hai loại vi khuẩn Campylobacter và Salmonella thường được tìm thấy trong ruột và lông của những loài gia cầm này. Những vi khuẩn này thường làm ô nhiễm thịt gia cầm tươi trong quá trình giết mổ và chúng có thể tồn tại cho đến khi việc nấu nướng giết chết chúng.
Để giảm thiểu rủi ro, hãy đảm bảo thịt gia cầm được nấu chín hoàn toàn và đảm bảo rằng thịt sống không tiếp xúc với đồ dùng, bề mặt bếp, thớt và các thực phẩm khác, vì điều này có thể dẫn đến lây nhiễm chéo.
Rau sống
Rau có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại, chẳng hạn như E. coli, Salmonella và Listeria. Sự ô nhiễm này có thể do nước ô uế và dòng chảy bẩn, có thể thấm vào đất nơi trồng trái cây và rau quả, hoặc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu…Nó cũng có thể xảy ra do thiết bị chế biến bẩn và cách chế biến thực phẩm không hợp vệ sinh. Một số loại rau thường ăn sống có thể gây ra nhiều nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn, nên ăn chín các loại rau, hạn chế ăn rau sống. Rửa sạch, ngâm nước muối các loại rau kỹ càng.
Cá và động vật có vỏ
Cá và động vật có vỏ là nguồn gây ngộ độc thực phẩm phổ biến. Cá không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp có nguy cơ cao bị nhiễm histamine, một loại độc tố do vi khuẩn trong cá tiết ra.
Histamine không bị phá hủy bởi nhiệt độ nấu thông thường và dẫn đến một loại ngộ độc thực phẩm được gọi là ngộ độc scombroid. Nó gây ra một loạt triệu chứng bao gồm buồn nôn, thở khò khè, sưng mặt và lưỡi.
Một loại ngộ độc thực phẩm khác do cá bị ô nhiễm là ngộ độc cá ciguatera (CFP). Điều này xảy ra do một loại độc tố gọi là ciguatoxin, chất này chủ yếu được tìm thấy ở vùng nước nhiệt đới ấm áp.
Động vật có vỏ như nghêu, trai, hàu và sò điệp cũng có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Tảo được động vật có vỏ tiêu thụ tạo ra nhiều độc tố và những chất này có thể tích tụ trong thịt của động vật có vỏ, gây nguy hiểm cho con người khi ăn động vật có vỏ.
Gạo
Gạo chưa nấu chín có thể bị nhiễm bào tử Bacillus cereus, một loại vi khuẩn sản sinh ra chất độc gây ngộ độc thực phẩm. Những bào tử này có thể sống trong điều kiện khô ráo. Chúng cũng có thể sống sót trong quá trình nấu nướng.
Nếu cơm đã nấu chín để ở nhiệt độ phòng, những bào tử này sẽ phát triển thành vi khuẩn phát triển và sinh sôi trong môi trường ấm áp, ẩm ướt. Cơm càng để lâu ở nhiệt độ phòng thì càng có nhiều khả năng không an toàn khi ăn.
Nên ăn cơm ngay khi nấu xong và làm lạnh phần cơm còn thừa càng nhanh càng tốt sau khi nấu. Khi hâm nóng cơm đã nấu chín, hãy đảm bảo cơm nóng hoàn toàn.
Thịt nguội
Các loại thịt nguội như giăm bông, thịt xông khói… có thể là nguồn gây ngộ độc thực phẩm. Chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại bao gồm Listeria và Staphylococcus Aureus ở một số giai đoạn trong quá trình chế biến và sản xuất.
Thịt nên được bảo quản trong tủ lạnh cho đến khi ăn. Nên tiêu thụ thịt nguội này ở mức vừa phải, hợp lý.
Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm nên rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn; luôn rửa tay ngay sau khi chạm vào thịt sống và thịt gia cầm. Sử dụng thớt và dao riêng biệt, đặc biệt đối với thịt và gia cầm sống; không nên ăn thực phẩm quá hạn sử dụng.
Nấu chín kỹ thịt; rửa kỹ rau và trái cây trước khi ăn, ngay cả khi chúng được đóng gói sẵn; không để thức ăn thừa ở nhiệt độ phòng.