Những thói quen xấu ngày Tết dễ gây bệnh khớp

- Chủ Nhật, 11/02/2024, 13:44 - Chia sẻ

Ăn nhiều thực phẩm gây viêm, ngủ không đủ giấc,…là một trong những thói quen ăn uống, sinh hoạt xấu trong những ngày Tết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương khớp.

Những thói quen xấu ngày Tết dễ gây bệnh khớp
 -0
Ăn uống không chọn lọc, dung nạp quá nhiều thực phẩm gây viêm, giàu purine có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp, gout… (Ảnh minh họa)

Việc giữ cho các khớp luôn khỏe góp phần quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của hệ xương. Bệnh viện Đa khoa Hà Nội chỉ ra, một số thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về khớp.

Ăn nhiều thực phẩm gây viêm

Nhiều bệnh mạn tính như viêm khớp gây ra bởi thực phẩm và chất dinh dưỡng mà cơ thể hấp thụ. Trong đó, thực phẩm gây viêm như những thực phẩm chứa nhiều gluten thường khiến cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.

Các thực phẩm như thịt đỏ, đường trắng, khoai tây chiên, hay nước ngọt, bánh ngọt đều có tính gây viêm, khiến cơn đau khớp trầm trọng hơn. Mặt khác, ăn quá nhiều thực phẩm này không chỉ dẫn đến tăng cân khiến bệnh khớp trở nặng mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác chẳng hạn như tiểu đường.

Giảm các hoạt động thể chất

Thói quen ít vận động ngày lễ Tết có thể gây hại cho khớp theo một số cách. Tập thể dục giúp cung cấp oxy đến các mô, bao gồm cả sụn và cải thiện lưu thông máu. Ngoài ra, các bài tập rèn luyện sức mạnh cũng giúp xây dựng cơ bắp, bôi trơn khớp và cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho sụn, bảo vệ các khớp trong cơ thể.

Việc giảm bớt các hoạt động thể chất, hạn chế vận động không chỉ góp phần làm tăng cân, dẫn tới phát triển các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim, đột quỵ và tăng cholesterol, mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp.

Ngủ không đủ giấc

Một đêm ngon giấc có thể tạo ra sự khác biệt, đặc biệt với những người đang bị bệnh khớp. Nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc thiếu ngủ với các triệu chứng bệnh gia tăng ở những người bị viêm khớp dạng thấp.

Cảm giác thiếu ngủ gây mệt mỏi cũng có thể khiến một người ăn uống kém lành lạnh, góp phần vào việc gia tăng tình trạng viêm nhiễm quanh khớp. Người lớn tuổi nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Không uống caffein ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ, tránh uống rượu và tập thể dục thường xuyên là những cách có thể giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.

Uống quá nhiều rượu, nước ngọt

Càng uống nhiều rượu, khả năng bị gout càng cao. Uống rượu dưới bất kỳ hình thức nào cũng có thể gây ra cơn gout vì rượu làm giảm khả năng lọc axit uric của thận và có thể dẫn đến tăng axit uric máu. Đồ uống có cồn khác chứa nhiều purine như bia cũng là một yếu tố nguy cơ khác của bệnh gout.

Fructose thường ở dạng xi-rô, như xi-rô ngô, có hàm lượng fructose cao cũng được coi là thủ phạm gây tăng nồng độ axit uric và tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Theo các chuyên gia, uống một chai nước ngọt thông thường dung tích 354ml đã được chứng minh làm tăng axit uric máu ở cả nam và nữ.

Bên cạnh đó, Fructose cũng có trong nhiều loại đồ uống trái cây, kem, kẹo, thức ăn nhanh đã qua chế biến, ngũ cốc ăn sáng và nhiều đồ ăn khác, vì vậy hãy đọc nhãn cẩn thận để tránh bị đau do bệnh gout.

Ngoài ra, uống quá nhiều rượu ảnh hưởng đến các enzym trong gan, có thể thay đổi cơ chế hoạt động của các loại thuốc mà người bệnh viêm khớp đang uống. Theo khuyến nghị, liều lượng uống rượu vừa phải là một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.

Thực phẩm giàu purine

Thực phẩm giàu purine có thể gây ra cơn gout cấp nếu ăn quá nhiều do quá trình phân hủy purine sẽ tạo ra axit uric trong máu và sau đó là sự lắng đọng axit uric trong khớp. Các thực phẩm giàu purine được khuyến cáo hạn chế ăn bao gồm thịt đỏ, hải sản có vỏ như trai sò và bia.

Xuân Quý
#