Tỉ lệ mắc các bệnh về thận hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng. Riêng tại Việt Nam, ước khoảng 5 triệu người bị suy thận và con số này còn tăng nhanh trong những năm tiếp theo.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới suy thận, và một trong số đó là do những thói quen xấu trong sinh hoạt của người dân. Đáng chú ý là có nhiều người biết những thói quen này có thể ảnh hưởng đến thận nhưng vẫn chủ quan bỏ qua, lơ là với sức khỏe của chính mình.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ về những thói quen xấu thường ngày dẫn tới tổn thương thận, suy thận để người dân hiểu rõ và phòng tránh ngay từ bây giờ.
Ăn nhiều muối có nguy cơ suy thận
Thói quen thường xuyên ăn nhiều muối có thể gây ra tình trạng thừa muối trong cơ thể, dẫn đến tăng huyết áp. Điều này khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ muối dư thừa. Từ đó có thể dẫn đến sự suy yếu của chức năng thận và tạo điều kiện thuận lợi cho các vấn đề sức khỏe như bệnh suy thận, sỏi thận, thận nhiễm mỡ…
Đặc biệt, đối với những người có tiền sử mắc bệnh thận, thói quen tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng muối cao có thể tạo ra tác hại lớn. Vì vậy, cần hạn chế lượng muối tiêu thụ để cải thiện chức năng thận.
Ưa thích thực phẩm ngọt và uống nước ngọt
Việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến tăng huyết áp và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Những tác động này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống thận. Ngoài ra, sử dụng thường xuyên các loại đồ uống có đường có thể làm tăng lượng protein trong nước tiểu- một biểu hiện sớm của vấn đề về chức năng thận.
Một loại đồ uống phổ biến hiện nay là nước ngọt, chúng thường có độ pH và hàm lượng axit cao. Điều này có thể ảnh hưởng đến cân bằng pH trong cơ thể, mà thận chịu trách nhiệm điều chỉnh. Vì vậy, việc tiêu thụ quá nhiều nước ngọt trong thời gian dài có thể tạo ra nguy cơ cao về bệnh suy thận.
Không ăn sáng
Thông thường, buổi sáng là khoảng thời gian mà túi mật hoạt động tiết ra dịch tiêu hóa, để chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, trong trường hợp túi mật không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật có thể tích tụ lâu hơn trong cơ thể. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành sỏi mật và sỏi thận sau một thời gian dài. Những vấn đề này có thể dần dẫn đến tình trạng suy yếu của chức năng thận.
Thường xuyên nhịn tiểu
Trong nước tiểu chứa các chất thải và độc tố được loại bỏ khỏi cơ thể. Thói quen thường xuyên nhịn tiểu có thể dẫn đến sự ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, tạo áp lực lên bộ phận này.
Bàng quang có thể trở thành môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể, gây ra những vấn đề như hiện tượng đái dầm tâm thần và viêm nhiễm bàng quang. Nguyên nhân này cũng có thể góp phần vào bệnh suy thận. Để đề phòng bệnh suy thận, nên đi tiểu khi có cảm giác buồn tiểu.
Uống ít nước
Uống ít nước hàng ngày là một trong những nguyên nhân gây suy thận. Khi lượng nước cung cấp cho cơ thể không đủ, hệ tiết niệu cũng hoạt động kém hiệu quả hơn.
Do đó, cần mất thời gian lâu hơn để tích trữ đủ nước tiểu để loại bỏ. Nước tiểu trong trường hợp này sẽ trở nên đậm hơn với sự tập trung của các chất thải và độc tố, dẫn đến khả năng hình thành sỏi thận. Quá trình này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thận và dẫn đến bệnh suy thận.
Tiêu thụ bia và rượu
Chất cồn có trong bia và rượu có thể tác động tiêu cực lên khả năng của thận trong việc lọc và loại bỏ chất độc khỏi máu. Tiêu thụ bia và rượu có thể gây ứ đọng acid uric, gây tắc nghẽn ống thận và góp phần vào sự suy yếu của thận một cách nhanh chóng.
Ăn ít rau và nhiều thịt
Việc tiêu thụ quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ, có thể làm thận phải hoạt động mạnh hơn để tiết và loại bỏ các chất độc có trong thịt. Trung bình, một người có cân nặng 50kg cần khoảng 40g protein mỗi ngày, tương đương với khoảng 300g thịt. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh suy thận, cần duy trì việc tiêu thụ thịt với lượng vừa phải.
Tự ý dùng thuốc và dùng không đúng hướng dẫn
Tự ý sử dụng thuốc hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây hại cho thận và dẫn đến suy thận. Một số loại thuốc, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài hoặc ở liều lượng không thích hợp, có thể gây tổn thương cho thận, như các kháng sinh nhóm Aminoglycoside, thuốc chống lao, hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, và một số loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
Vì vậy, việc sử dụng thuốc đúng cách, theo hướng dẫn là vô cùng quan trọng. Nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ để tránh bệnh suy thận.
Các bác sĩ BVĐK tỉnh Phú Thọ khuyến cáo: Bệnh suy thận thường phát triển qua nhiều giai đoạn, từ nhẹ đến nặng, cuối cùng dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Trong giai đoạn này, thận mất khả năng hoạt động và bệnh nhân cần phải thực hiện điều trị thay thế như lọc máu hoặc ghép thận.
Việc điều trị có thể tạo ra chi phí lớn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, để tránh bệnh suy thận, người dân cần chủ động phòng ngừa và khi có các dấu hiệu của bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.