Những loại rau là “ổ sán”, cần thận trọng khi ăn sống

- Thứ Năm, 02/11/2023, 06:39 - Chia sẻ

Một số loại rau thường được người Việt Nam ưa thích chọn cách ăn sống, làm gỏi, tuy nhiên rau sống là thực phẩm có nguy cơ cao chứa nhiều loại giun sán.

Các chuyên gia cho biết: Rau sống thường là các loại rau như xà lách, rau cải xanh, cải cúc, rau muống, rau thơm (rau răm, rau mùi, húng…). Tuy nhiên, rau sống là thực phẩm có nguy cơ gây bệnh giun sán nếu không biết cách sơ chế, sử dụng.

rau cần.jpeg -0
Rau cần thường chứa nhiều giun sán nếu không được làm sạch kỹ (Ảnh minh họa)

Một số loại rau giun sán dễ trú ngụ

Viện sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng TPHCM cho biết: Các loại rau thủy sinh như cần, cải xoong, rau muống nước, ngó sen…gồm nhiều dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhưng nó có thể là ổ chứa giun sán nếu ở trong nước ô nhiễm.

Rau cải xoong

Rau cải xoong được biết là loại rau có hàm lượng vitamin, canxi, i-ốt cao với nhiều công dụng trong việc phòng và trị bệnh.

Tuy nhiên, rau cải xoong có thể là ổ chứa giun sán nếu ở trong môi trường nước bị ô nhiễm nặng.

Rau cần

Rau cần có hai loại, một loại là cần cạn trồng ở ruộng, một loại là cần nước được trồng ở các ao nông. Loại cần trồng dưới nước thường chứa nhiều giun sán hơn loại cần trồng trên cạn. Khi ăn lẩu, phải rửa thật sạch, ngâm nước muối và để chín kỹ mới ăn.

Rau muống nước

Rau muống rất phổ biến bởi tính chất dễ trồng, dễ chế biến món ăn. Vì là loại rau ưa dùng của mọi người nên trong quá trình trồng rau muống đôi khi người nông dân sử dụng một vài loại hóa chất kích thích cây tăng trưởng.

Rau muống nước ăn giòn, ngọt và đậm hơn rau muống cạn, tuy nhiên, rau muống trồng dưới nước bẩn chứa rất nhiều giun sán.

Các chuyên gia nhận định: nếu rau sống không đảm bảo trong quá trình nuôi trồng, sử dụng phân tươi hay dùng nguồn nước ô nhiễm để phun tưới… hoặc không được chế biến cẩn thận, thì món ăn này có thể là nguy cơ lây nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn.

Dấu hiệu nhiễm sán

Người ăn phải những cây thủy sinh chưa nấu chín sẽ ăn theo cả ấu trùng sán lá vào ruột. Khi vào cơ thể, ấu trùng bám vào ruột non, ký sinh và trưởng thành ở đấy. Thời gian từ lúc ấu trùng vào cơ thể đến khi trưởng thành khoảng 90 ngày.

Khi mắc sán, bệnh nhân chỉ bị mệt mỏi, thiếu máu nhẹ, sức khoẻ giảm sút… Khi bệnh toàn phát, người bệnh bị đau bụng kèm theo tiêu chảy. Phân lỏng, không có máu, nhưng nhày và có lẫn nhiều thức ăn không tiêu.

Bệnh nhân thường đau bụng ở vùng hạ vị, đau kèm theo tiêu chảy và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội. Nếu người bệnh có nhiều sán và không được điều trị, bệnh sẽ ngày càng nặng, có thể bị phù nề, tràn dịch ở nhiều nội tạng và chết trong tình trạng suy kiệt.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu- Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, các loại rau thủy sinh có nguy cơ chứa các loại giun, sán nguy hiểm đặc biệt cao. Do đó, người dân chỉ nên ăn các loại rau này khi đã nấu chín kỹ.

Để phòng, ngừa các bệnh do giun sán, ký sinh trùng, BS Lê Văn Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc:

- Ăn chín, uống sôi.

- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh.

- Tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo.

- Uống thuốc giun định kỳ một năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ).

Phương Anh (Tổng hợp)
#