Những dấu hiệu nhận biết sớm giúp ngăn ngừa nguy cơ sâu răng ở trẻ

- Thứ Bảy, 09/12/2023, 13:03 - Chia sẻ

Sâu răng là một trong những bệnh răng miệng thường gặp nhất ở trẻ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến răng miệng của trẻ khi trưởng thành.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây sâu răng ở trẻ

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Bạch Mai, sâu răng sữa là một bệnh gây tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng.

Những dấu hiệu nhận biết sớm giúp ngăn ngừa nguy cơ sâu răng ở trẻ -0
Sâu răng xuất phát từ quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng (Ảnh minh họa)

Qua đó, các men của vi khuẩn ở mảng bám răng tác động lên các thức ăn có nguồn gốc gluxit còn dính lại ở bề mặt răng, chuyển hóa thành axit. Khi môi trường có pH< 5 thì gây ra tổn thương hủy khoáng, làm mất mô cứng của răng và gây ra sâu răng.

Đồng thời, chủng vi khuẩn có khả năng gây sâu răng cao nhất trong nghiên cứu thực nghiệm là Streptococus Mutans. Một số chủng vi khuẩn khác như Actinomyces, Lactobacillus... cũng gây sâu răng. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng sâu răng như:

Men răng: Men răng thiểu sản hay men răng kém khoáng hóa dễ bị huỷ khoáng hơn nên dễ bị  sâu răng.

Hình thể răng: Các răng có hố rãnh sâu có nguy cơ sâu răng cao do sự tập trung của mảng bám răng và khó làm sạch mảng bám răng. Ngoài ra, một số bất thường về hình dạng răng như răng sinh đôi, răng dính, núm phụ... cũng làm tăng nguy cơ gây sâu răng.

Vị trí răng: Răng lệch lạc, chen chúc làm tăng khả năng lưu giữ mảng bám vì thế dễ bị sâu răng hơn.

Nước bọt: Dòng chảy và tốc độ chảy của nước bọt là yếu tố làm sạch tự nhiên để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại. Tạo một lớp màng mỏng trên bề mặt của răng từ nước bọt có vai trò như một hàng rào bảo vệ men răng khỏi pH nguy cơ.

Đồng thời, nước bọt là nguồn cung cấp các chất khoáng để có thể phục hồi các tổn thương sâu răng sớm.

Chế độ ăn nhiều đường: Thói quen ăn uống trước khi đi ngủ hay bú bình kéo dài đều làm tăng nguy cơ sâu răng.

Vệ sinh răng miệng: Đóng vai trò quan trọng nhất , là yếu tố làm sạch cơ học giúp làm giảm hoặc mất các tác động của các yếu tố gây sâu răng khác.

Dấu hiệu nhận biết sâu răng sớm ở trẻ

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, các dấu hiệu nhận biết sâu răng sớm ở trẻ như: Vùng tổn thương sâu răng sớm xuất hiện các vết trắng đục hoặc nâu vàng (có thể quan sát khi răng ướt hoặc khi thổi khô răng), bề mặt men răng còn nguyên vẹn; Không có dấu hiệu đặc trưng trên X quang.

Những dấu hiệu nhận biết sớm giúp ngăn ngừa nguy cơ sâu răng ở trẻ -0
Vùng tổn thương sâu răng sớm xuất hiện các vết trắng đục hoặc nâu vàng
khi bị sâu răng (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chẩn đoán sâu răng giai đoạn hình thành lỗ sâu, dựa vào các triệu chứng lâm sàng hoặc X quang. Triệu chứng cơ năng có thể có hoặc không có triệu chứng cơ năng.

Đồng thời, biểu hiện ê buốt xảy ra khi các chất kích thích tác động vào vùng tổn thương như nóng, lạnh, chua, ngọt… Khi hết kích thích, răng hết ê buốt.

Bác sĩ Mai lưu ý, tổn thương mất mô cứng của răng có thể rất nhỏ, chỉ xác định được khi thăm khám với dụng cụ chuyên biệt của các bác sĩ nha khoa hoặc biểu hiện rõ hình ảnh lỗ sâu với các đặc điểm sau:

Vị trí: Mặt nhai các răng hàm sữa, mặt gần - xa, mặt ngoài và mặt trong các răng.

Độ sâu: Có thể chỉ tổn thương lớp men răng hoặc tổn thương đến lớp ngà răng.

Đáy lỗ sâu: Có thể mềm có nhiều ngà mủn hoặc đáy cứng.có thể có màu vàng nâu hoặc màu đen tùy vào giai đoạn tiến triển của sâu răng

X quang: Có hình ảnh thấu quang vùng tổn thương sâu răng.

Những cách điều trị sâu răng ở trẻ 

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, trong trường hợp trẻ bị sâu răng sớm, nếu thực hiện tốt việc tăng cường quá trình tái khoáng, các tổn thương có thể tự phục hồi.

Những dấu hiệu nhận biết sớm giúp ngăn ngừa nguy cơ sâu răng ở trẻ -0
Bệnh nhân chải răng với kem răng có Fluor sẽ giúp điều trị bệnh sâu răng 
(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, bệnh nhân chải răng với kem răng có Fluor. Bởi, dùng Fluor có độ tập trung cao ở dạng gel, dung dịch hoặc véc ni áp lên bề mặt vùng tổn thương để tái khoáng.

Với các trường hợp đã tạo thành lỗ sâu, phải lấy bỏ toàn bộ mô nhiễm khuẩn và hàn kín phục hồi mô cứng bằng các loại vật liệu thích hợp. Nếu hàn tốt, đúng quy trình hoàn toàn có thể phục hồi được mô cứng của răng ngăn ngừa được các biến chứng viêm tủy răng, viêm quanh cuống răng.

Đồng thời, bệnh nhân cần ăn uống hợp lý, bổ sung thêm các khoáng chất giúp tái khoáng.

Xuân Qúy
#