Những dấu hiệu nhận biết giúp điều trị bệnh bạch hầu

- Thứ Ba, 09/07/2024, 07:00 - Chia sẻ

Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu thường vào khoảng 5% – 10%. Trong đó, bệnh có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục - đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác.

Những dấu hiệu nhận biết giúp điều trị bệnh bạch hầu -0
Bệnh chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, bệnh bạch hầu dễ lây lan qua nhiều hình thức khác nhau, điển hình với trẻ nhỏ không được tiêm chủng đầy đủ đúng thời điểm. Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn chỉ ra, các biểu hiện có thể dễ dàng nhận thấy như:

- Viêm họng, mũi, thanh quản, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm, sưng tấy vùng cổ.

- Giả mạc trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh vùng viêm, nếu bị bong tróc ra sẽ bị chảy máu. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

- Bạch hầu thanh quản là thể bệnh bạch hầu nặng nhất ở trẻ em với biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ. Bên cạnh đó, còn có biểu hiện toàn thân nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim. Trường hợp bạch hầu thanh quản nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong lên đến 5-10% ca mắc bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho biết, biến chứng thường gặp nhất ở bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Trong đó, biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể chậm vài tuần sau khi người bệnh khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao.

Còn biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và sẽ hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì những biến chứng khác.

Ngoài ra, bệnh có thể xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc giai đoạn sau sinh. Tỷ lệ tử vong của bệnh đối với sản phụ là khoảng 50%, một phần ba trường hợp sống sót có thể bị sảy thai hoặc sinh non.

Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và mang thai, nhưng biến chứng vẫn cần được điều trị kéo dài. Tỷ lệ tử vong của bệnh thường vào khoảng 5% – 10% và có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu: DPT-VGB-Hib (SII) hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch. 

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, mang khẩu trang ở những nơi công cộng.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Xuân Quý
#