Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và cách chuẩn đoán bệnh

- Chủ Nhật, 15/01/2023, 07:30 - Chia sẻ

Thoái hóa cột sống thắt lưng hay thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những bệnh lý cột sống thường gặp nhất hiện nay và đang có xu hướng trẻ hoá.

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đây là một nguyên nhân phổ biến gây đau cột sống thắt lưng, kèm theo các triệu chứng thần kinh tương ứng.

 Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 2 triệu người phải nghỉ việc vì đau cột sống thắt lưng. Trong khi đó, theo các trung tâm nghiên cứu và thống kê ở Châu Âu và Mỹ thì có tới 70% dân số trong cuộc đời có ít nhất một lần đau thắt lưng.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng  -0
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng

5 nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

-Thoái hóa cột sống, thường xảy ra ở độ tuổi 30 – 50. Theo thời gian, vòng sụn bên ngoài bị xơ hóa, nhân nhầy của đĩa đệm bị khô, mất tính đàn hồi, thoát vị vào trong ống sống, chèn ép dây thần kinh.

- Chấn thương cột sống do tai nạn hoặc lao động nặng, tác động lực mạnh đột ngột làm rách hoặc lệch đĩa đệm.

 - Các hội chứng bẩm sinh nơi cột sống như gù, vẹo cột sống, gai cột sống cũng như yếu tố di truyền đặc điểm cột sống yếu từ bố mẹ.

 - Tăng cân, béo phì làm tăng sức đè nén lên các đĩa đệm.

 - Khuân vác vật nặng, ngồi hàng giờ sai tư thế, tập thể dục và thể thao không đúng cách sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cột sống, dẫn đến nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.

Theo Bệnh viện Việt Đức, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào khám lâm sàng và hình ảnh trên phim chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng, trong đó hình ảnh khối thoát vị trên phim chụp cộng hưởng từ là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán.

Về điều trị, có nhiều lựa chọn điều trị phụ thuộc mức độ đau, mức độ chèn ép thần kinh và mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những phương pháp điều trị thoát vị có thể liệt kê như: nội khoa nghỉ ngơi, tập phục hồi chức năng, phẫu thuật…

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng  -0
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

6 cách chuẩn đoán thoát vị đĩa đệm

- Đau cột sống thắt lưng: Đây là triệu chứng xuất hiện ở hầu hết người bệnh có thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên mức độ đau tuỳ từng trường hợp cụ thể. Cơn đau có thể dữ dội kèm co cứng khối cơ cạnh cột sống, nhưng cũng có nhiều trường hợp cơn đau âm ỉ, tăng lên khi vận động mạnh hoặc thay đổi tư thế.

- Đau lan chân kiểu rễ: Khi khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh thường sẽ kích thích và biểu hiện cơn đau dọc theo đường đi của rễ thần kinh bị chèn ép. Hay gặp nhất khối thoát vị ở đĩa đệm lưng L45 và L5S1 (đĩa đệm giữa đốt sống lưng số 5 và xương cùng số 1).

Vì vậy ba rễ thần kinh thường bị chèn ép là rễ thần kinh L4, L5 và rễ S1. Triệu chứng đau kiểu rễ có thể biểu hiện ở một chân hoặc hai chân và thường khởi phát từ đau lưng rồi cơ đau di chuyển theo rễ thần kinh qua mông xuống đùi, qua gối và xuống cẳng chân.

- Tê bì chân: Thường triệu chứng này xen lẫn với triệu chứng đau chân của người bệnh. Khi tình trạng chèn ép kéo dài càng lâu thì mức độ tê bì chân của người bệnh cũng tăng cao.

- Teo cơ: Đây là triệu chứng biểu hiện giai đoạn muộn của bệnh hoặc khối thoát vị chèn ép lớn, vị trí chèn ép cao vùng cột sống thắt lưng. Khi người bệnh có biểu hiện teo cơ do khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh nên ưu tiên phẫu thuật.

-  Yếu chân: Đây cũng là một triệu chứng muộn của bệnh. Khi rễ thần kinh bị chèn ép quá nặng hoặc quá lâu, tổn thương gây giảm hoặc mất chi phối vận động của rễ thần kinh đó sẽ xảy đến, biểu hiện người bệnh liệt khối cơ vùng rễ đó chi phối. Hay gặp nhất thường người bệnh bị giảm hoặc mất gấp, duỗi cổ chân, hạn chế nâng đùi nếu thoát vị ở cao.

Rối loạn cơ tròn: ít gặp, thường bị khi khối thoát vị quá lớn hoặc vị trí thoát vị cao (L23, L34…). 

Cách điều trị

Nội khoa: Là lựa chọn cho đa số các trường hợp thoát vị mới bị, chèn ép thần kinh ít, mức độ đau của người bệnh chưa nhiều. Nội dung điều trị bao gồm nghỉ ngơi, dùng đai lưng hỗ trợ, thuốc giảm đau chống viêm và thuốc giãn cơ, hỗ trợ cột sống.

Phong bế rễ thần kinh: Là phương pháp vừa giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thoát vị cột sống thắt lưng. Khi người bệnh dùng thuốc, châm cứu kéo dãn cải thiện ít, các bác sĩ có thể lựa chọn giải pháp phong bế rễ thần kinh.

Dưới sự hướng dẫn của máy chụp tia xquang (Carm), bác sĩ sẽ tiêm phức hợp thuốc giảm đau chống viêm vào đúng vị trí khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh để “phong bế” cảm giác chèn ép, đau của rễ thần kinh đó. Đây là can thiệp đơn giản, nhanh, người bệnh có thể ra viện trong ngày, chi phí thấp.

Phẫu thuật: Đây là giải pháp điều trị giải quyết triệt để nguyên nhân (khối thoát vị chèn ép). Có khoảng 10% người bệnh bị thoát vị đĩa đệm có chỉ định phẫu thuật.

 Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, trong đó chú ý tư thế hợp lý trong lao động, vận động và hoạt động, đặc biệt là tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng. Khi bê vác vật nặng nên ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, tránh thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên; cần tập thể dục đúng cách.

Hồng Hạnh
#