Chị P.T.T., 39 tuổi (trú tại Kinh Môn, Hải Dương) mang thai ở tuần thai thứ 6, chị đã tới phòng khám tư nhân để phá thai bằng thuốc.
Đến ngày thứ 4 sau khi dùng thuốc, chị ra máu nhiều kèm theo đó hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, sốt cao, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Người nhà đã đưa chị đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, mạch nhanh, mệt mỏi, thiếu máu nặng, chỉ số HGB là 51g/l (Chỉ số thông thường là 125-160 g/l). Với chẩn đoán sót rau sau phá thai bằng thuốc trên nền thiếu máu nặng, người bệnh được chỉ định truyền máu và xử trí. Hiện sức khỏe người bệnh ổn định và đang được theo dõi tại bệnh viện.
Phá thai bằng thuốc là phương pháp sử dụng thuốc (chủ yếu là thuốc có chứa hoạt chất mifepristone, misoprostol) để chấm dứt thai nghén. Phương pháp này được thực hiện cho những người có thai 7 tuần tuổi trở xuống (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối).
Thuốc sẽ làm thai ngừng phát triển và gây sảy thai tự nhiên. Tỷ lệ thành công của phương pháp phá thai bằng thuốc chỉ xấp xỉ 96% nếu dùng đúng cách, khoảng 4% uống thuốc phá thai không có tác dụng. Thai sẽ vẫn phát triển nhưng không bình thường, có thể bị khuyết tật, dị dạng, khi đó bác sĩ sẽ phải dùng cách khác để phá thai.
Trên thực tế, Bộ Y tế cho phép sử dụng phương pháp phá thai bằng thuốc từ nhiều năm nay nhưng không phải cơ sở y tế, bác sĩ nào cũng được sử dụng và càng không thể tự ý mua về dùng. Tuy nhiên, do không lường hết hậu quả mà cách này đang được nhiều bạn trẻ lạm dụng.
Theo các bác sĩ bệnh viện, phá thai bằng thuốc chỉ được thực hiện ở các bệnh viện có uy tín bởi bác sĩ chuyên khoa phụ sản. Quá trình dùng thuốc phải có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Nhiều người tự mua thuốc về dùng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn có thể dẫn đến sót thai, sót nhau thai, gây băng huyết, mất máu dài ngày, nguy cơ nhiễm khuẩn tử cung cao, nguy hiểm đến tính mạng.