Trường hợp bệnh nhân nữ (37 tuổi) nhập viện trong tình trạng xuất hiện các biểu hiện chảy dịch, chảy mủ và được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler.
Qua khai thác thông tin, người bệnh tiêm filler vùng mông cách ngày đến khám 3 tuần tại một cơ sở “người quen”. Tuy nhiên, bệnh nhân không biết mình được tiêm loại thuốc gì.
Sau tiêm 2 ngày, người phụ nữ xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng mông, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh và hạ sốt tại nhà nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.
Sau khi xuất hiện các biểu hiện chảy dịch, chảy mủ, người bệnh đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler.
Nguyên nhân do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn. Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín.
Ekip phẫu thuật nhanh chóng chích rạch áp xe, điều trị kháng sinh toàn và chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
ThS.BS Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng cho biết, với sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống ngày càng được nâng cao dẫn tới nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng lớn.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, rất nhiều spa – thẩm mỹ viện ra đời, song song với những cơ sở có chất lượng chuyên môn cao, được thẩm định và kiểm tra kĩ càng thì còn tồn tại rất nhiều cơ sở mở “chui”, kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn lên người khách hàng.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã ghi nhận rất nhiều trường hợp là hậu quả của những spa “chui”, hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo “ngọt ngào” trên internet để rồi “tiền mất tật mang”. Trong các bệnh nhân vào viện, biến chứng sau tiêm filler (chất làm đấy) chiếm một số lượng tương đối lớn.
Theo ThS.BS Tạ Thị Hà Phương, tiêm filler hay tiêm chất làm đầy là thủ thuật tiêm đưa hợp chất có tác dụng làm đầy tự nhiên đến vị trí tại các nếp gấp và mô trên khuôn mặt để làm giảm sự hiện diện của nếp nhăn và hồi phục sự căng đầy trên khuôn mặt, đồng thời giảm dần các dấu hiệu lão hóa theo thời gian.
Tuy nhiên, tiêm filler chỉ thực sự an toàn và có hiệu quả khi được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn, khi khách hàng chọn những cơ sở không được cấp giấy phép, nguy cơ tai biến rất cao có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề.
Các loại filler được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ) cấp phép vẫn mang lại sự hiệu quả, linh hoạt và an toàn, với tỷ lệ biến chứng thấp và phần lớn ở mức độ nhẹ như bầm tím, ban đỏ, nóng rát tại chỗ.
Do vậy, filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử.
Bác sĩ khuyến cáo, những người có nhu cầu làm đẹp có thể chọn những cơ sở uy tín, có chuyên môn cao, đã được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, sử dụng những loại thuốc tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các cơ quan chức năng cho phép sử dụng.