Nguyên nhân của mất cân bằng giới tính khi sinh
Bình đẳng giới đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Nói đến bình đẳng giới là nói đến sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới. Bình đẳng giới trở thành một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của các quốc gia trên thế giới, nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn minh. Thực tế cho thấy, nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc bảo đảm bình đẳng giới giữa nam và nữ vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức. Nhất là đối với lĩnh vực dân số và phát triển hiện nay. Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của nền văn hóa châu Á và tư tưởng trọng nam khinh nữ, đánh giá vai trò của nam giới là trụ cột trong gia đình… tâm lý ưa thích và mong muốn có con trai để “sau này về già có chỗ dựa”; để “nối dõi tông đường”… đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người Việt Nam qua nhiều thế hệ là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đơn cử, ở Nghệ An, mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành thách thức, là hồi chuông báo động với công tác dân số hiện nay. Năm 2022, tỷ số giới tính của cả nước là 112,0 bé trai/100 bé gái, tỷ số giới tính khi sinh của Nghệ An là: 116,65 bé trai/100 bé gái ; 6 tháng đầu năm 2023 là: 118,98 bé trai/100 bé gái.
Chi cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, theo số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành dân số từ năm 2011 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh được duy trì ở giới hạn bình thường, khoảng 105-107 trẻ nam/100 trẻ nữ. Tuy nhiên, theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà năm 2019, thì tỷ số giới tính khi sinh của TP. Hồ Chí Minh là 114,1 nam/100 nữ. Đây là số liệu thể hiện sự gia tăng bất thường của mất cân bằng giới khi sinh.
Tỷ lệ nam và nữ là nhân tố quan trọng của dân số, bởi nam và nữ khác nhau ở cả góc độ tự nhiên lẫn góc độ xã hội. Những điểm khác biệt này giúp phân công lao động hợp lý cũng như xây dựng mối quan hệ bình đẳng giới. Nhiều chuyên gia cảnh báo, với đà tăng dân số và sự chênh lệch giới tính khi sinh ngày càng cao như hiện nay sẽ dẫn đến sự mất cân đối về dân số, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dân số, sự phát triển kinh tế-xã hội.
Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức
Theo các chuyên gia, để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người dân; tập trung vào vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh bằng việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất, các cấp, các ngành cần phối hợp tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và kênh truyền thông trực tiếp tại cơ sở tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới và triển khai các loại hình cung cấp thông tin, mô hình tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới... ưu tiên các vùng sâu, vùng cao, vùng biển và ven biển.
Từ năm 2011, bằng việc công nhận ngày 11.10 hàng năm là ngày Quốc tế Trẻ em gái của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc. Ngày Quốc tế Trẻ em gái được tổ chức mỗi năm 1 lần nhằm tạo ra cơ hội được đấu tranh, vươn lên và nâng cao nhận thức cho trẻ em gái. Đồng thời, đây là lúc để cả thế giới dành sự quan tâm đến những vấn đề về phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ và trẻ em.