Mề đay có điều trị dứt điểm được không?

- Thứ Bảy, 31/12/2022, 07:45 - Chia sẻ

Nổi mề đay là phản ứng của mao mạch trên da với các yếu tố khác nhau gây phù cấp hoặc mãn tính ở trung bì. Bệnh phổ biến, dễ nhận biết, nếu loại bỏ được nguyên nhân gây kích ứng sẽ có thể điều trị triệt để được mề đay.

Mề đay có điều trị dứt điểm được không? -0
Phụ nữ và trẻ em có xu hướng mắc mề đay nhiều hơn nam giới

Nổi mề đay sẽ khiến những vùng da ảnh hưởng bị ngứa dữ dội, đổi màu và sưng lên. Chúng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể. Tình trạng này rất thường gặp, nguyên nhân thường là do dị ứng.

Phụ nữ và trẻ em có xu hướng mắc mề đay nhiều hơn nam giới. Thời gian khỏi bệnh thường phụ thuộc vào biểu hiệu bệnh, độ mẫn cảm của cơ thể và nguyên nhân gây dị ứng.

Mặc dù các triệu chứng nổi mề đay có thể rất khó chịu, nhưng có nhiều cách để điều trị, xoa dịu và loại bỏ chúng.

Tìm hiểu về mề đay

Nổi mề đay là bệnh da liễu phổ biến với những dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết. Triệu chứng của mề đay thường bao gồm các vết nổi ban đỏ hoặc trắng trên da đi kèm với ngứa. Bệnh tái phát thường xuyên, đôi khi không thể lường trước được.

Mề đay thường chia thành 2 dạng: mề đay cấp tính (kéo dài dưới 6 tuần) và mề đay mãn tính (kéo dài trên 6 tuần)

Mề đay cấp tính là một loại phát ban ngắn và thường xảy ra do phản ứng bất lợi hoặc dị ứng với một số loại thực phẩm hoặc thuốc. Mề đay chỉ ảnh hưởng đến lớp trên của da, được gọi là lớp hạ bì. Nhiễm trùng và côn trùng cắn cũng có thể gây ra loại phát ban này.

Mề đay mãn tính có các triệu chứng xảy ra thường xuyên hoặc gần như hàng ngày và kéo dài trên 6 tuần mà không có nguyên nhân dị ứng, nhiễm trùng hoặc liên quan đến thuốc. Mề đay mãn tính thường do các nguyên nhân tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp, ung thư hoặc viêm gan.

Nguyên nhân nổi mề đay

Nguyên nhân gây nổi mề đay rất đa dạng và phức tạp. Mề đay xảy ra khi cơ thể có histamin nồng độ cao và các chất hóa học khác giải phóng vào da, gây phát ban và các triệu chứng khác trên bề mặt. Histamin ở mức cao làm cho các mạch máu ở khu vực bị ảnh hưởng mở ra và bắt đầu rò rỉ trong các mô gây sưng và ngứa.

Một số tác nhân phổ biến gây nổi mề đay bao gồm:

- Phản ứng dị ứng với thức ăn, côn trùng cắn hoặc động vật

- Phản ứng với một chất kích thích từ thực vật

- Nhiễm trùng

- Một số loại thuốc

- Chất bảo quản và phụ gia thực phẩm

Một số loại thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng nổi mề đay trở nên tồi tệ hơn như rượu và caffeine.

Tác động của việc tiếp xúc với nhiệt cũng có thể gây ra một loại phát ban gọi là mề đay vật lý. Các tác nhân phổ biến gây nổi mề đay vật lý bao gồm: cực nóng hoặc lạnh, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, đổ quá nhiều mồ hôi, quần áo cọ xát da. Loại phát ban này hiếm khi lan rộng ra ngoài vị trí ban đầu của nó.

Các biện pháp khắc phục nổi mề đay

Nhiều trường hợp nổi mề đay tự biến mất trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi xuất hiện. Thông thường, các triệu chứng nổi mề đay sẽ biến mất trong vòng 24 giờ, nhưng trong một số trường hợp, có thể mất vài ngày.

Các biện pháp khắc phục hiệu quả để điều trị mề đay bao gồm:

- Chườm lạnh: Có thể đắp một miếng vải ẩm, mát lên vùng bị ảnh hưởng để giúp giảm ngứa và giảm viêm, lặp lại thường xuyên nếu cần.

- Tắm: Tắm bằng bột yến mạch và baking soda có thể làm dịu da và giảm kích ứng. Thêm nước cây phỉ vào bồn tắm sẽ giúp giảm các triệu chứng nhanh chóng.

- Đắp lô hội: Lô hội có thể làm dịu và giảm nổi mề đay. Tuy nhiên, nên thử trên một vùng da nhỏ trước khi thoa lô hội lên toàn bộ vùng bị ảnh hưởng.

- Tránh các chất kích thích, gây kích ứng bao gồm: nước hoa, xà phòng thơm, kem dưỡng ẩm và tránh ánh nắng mặt trời. Đồng thời, cũng nên giữ cơ thể mát mẻ và mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

Ngoài ra, một số bệnh nhân bị phát ban mãn tính ghi nhận các triệu chứng giảm khi bổ sung thêm vitamin D.

Điều trị y tế

Trong những trường hợp phát ban nghiêm trọng, điều trị y tế sẽ cần được ưu tiên. Một số loại thuốc bôi không kê đơn có thể điều trị mề đay như thuốc kháng histamin để giảm ngứa, kem calamine, diphenhydramine (Benadryl)...

Đối với tình trạng phát ban nghiêm trọng và dai dẳng hơn, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Mức độ nghiêm trọng của phát ban có thể khác nhau ở từng người. Mặc dù hầu hết mọi người có thể kiểm soát các triệu chứng tại nhà, nhưng nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài hơn một vài ngày và xấu đi theo thời gian. Đặc biệt chú ý nếu vết phát ban đau hoặc để lại vết bầm tím, gây hiện tượng chóng mặt.

Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, một số trường hợp sẽ gây nên vết sưng ở lưỡi, miệng hoặc cổ họng, khó thở, tức ngực và đây đều là một trường hợp cấp cứu y tế cần được chăm sóc ngay lập tức. 

Mề đay thường có thể điều trị được và không gây biến chứng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, mề đay có thể dẫn đến phù mạch và các biến chứng sức khỏe khác và cần điều trị y tế sớm.

(Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com)

Minh Hiếu
#