Kỳ vọng "vực dậy” y tế cơ sở với mô hình Bệnh viện chị - em

Từ tháng 9.2023, Sở Y tế Hà Nội triển thí điểm mô hình "Bệnh viện chị - em" giữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và các đơn vị y tế tuyến huyện, xã tại huyện Ba Vì (Hà Nội).

Đây là mô hình bệnh viện tuyến trên hỗ trợ y tế cơ sở nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp "vực dậy" y tế cơ sở tại huyện Ba Vì, bao gồm cả bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện. 

Sau 4 tháng triển khai, mô hình “Bệnh viện chị - em” bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực, tạo niềm tin cho người dân với y tế cơ sở.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để tìm hiểu rõ hơn về mô hình hoạt động này, cũng như những giá trị tích cực mà mô hình đem lại.

Khác biệt của "Bệnh viện chị - em" 

- Thưa PGS.TS Đỗ Đình Tùng, về chủ trương bệnh viện tuyến trên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, trước đó chúng ta đã có các Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Vậy điểm khác biệt của mô hình "Bệnh viện chị em" là gì? Mô hình này hoạt động ra sao?

PGS.TS Đỗ Đình Tùng: Rõ ràng, trước nay, việc bệnh viện tuyến trên giúp đỡ nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực điều hành cũng như hoạt động của tuyến dưới thì gần như tất cả tỉnh thành đều đã làm.

Chúng ta có Đề án 1816 của Bộ Y tế (Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”) hay có Đề án viện vệ tinh. Hai mô hình này mặc dù đã phát huy rất nhiều hiệu quả nhưng cũng còn những hạn chế.

Ví dụ, một số bác sĩ được cử đi tuyến 1816 sau khi rút về có thể không nắm được và không triển khai được các kỹ thuật một cách tích cực nữa. Hay việc cử bác sĩ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, đôi khi cũng rất khó khăn, liên quan đến nhiều vấn đề. Bác sĩ phải ở rất xa, không thường xuyên về nhà được; bác sĩ chỉ đi đơn độc một mình, không có ekip hỗ trợ, không thể ở mãi tuyến dưới được. Về mô hình Bệnh viện vệ tinh cũng đem lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng sự giúp đỡ chỉ theo đợt.

Chính vì thế, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai mô hình “Bệnh viện chị - em”. Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng “chị” với “em” sẽ có sự giúp đỡ rất thường xuyên, giúp đỡ về mọi mặt. Thay vì một hay một vài cá nhân ở tuyến trên được cử xuống tuyến dưới giúp đỡ thì với mô hình này, cả một khoa phòng của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn sẽ có nhiệm vụ giúp đỡ cho một khoa phòng của Bệnh viện Ba Vì. Như vậy, mô hình “Bệnh viện chị - em” thực tế được chúng tôi lấy nòng cốt là “khoa phòng chị - em”.

Bên cạnh đó, không có chuyện chỉ giúp đỡ theo ngày, theo buổi, mà tất cả các buổi - tức là mỗi ngày, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn sẽ cùng đi buồng, cùng hội chẩn, cùng xử trí cấp cứu, cùng thông qua mổ, cùng tham gia phẫu thuật,… với bác sĩ của Bệnh viện Ba Vì.

Kỳ vọng
PGS.TS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Ảnh: Xuân Quý)

Tất cả mọi hoạt động chuyên môn của Bệnh viện đa khoa Ba Vì đều có sự tham gia của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Có nghĩa Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Ba Vì đồng thời cũng như khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Xanh Pôn, cũng được chúng tôi hội chẩn, đi buồng hàng ngày.

Hay Khoa Ngoại cũng được thông qua mổ hàng ngày, cuộc mổ đó được trình chiếu và các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn cùng tham gia trực tiếp vào ca mổ.

Với hoạt động cấp cứu, khi có bệnh nhân đến Bệnh viện Ba Vì cấp cứu thì đồng thời chúng tôi khởi động hệ thống Telemedicine - hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Về mặt lý thuyết, tất cả các buổi họp, buổi đào tạo của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì đều tham gia như một cán bộ, nhân viên của Xanh Pôn, theo hình thức online.

Công nghệ thông tin là điểm mấu chốt để thực hiện mô hình này. Bác sĩ từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và bệnh nhân tại Ba Vì có thể nhìn thấy nhau, hội chẩn online.

Tất cả thông tin đều được truyền tải thông qua hệ thống phần mềm PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh bao gồm ít nhất 4 thành phần chính: Các phương thức tạo hình ảnh như CT, MRI, X-quang số, siêu âm...; Một mạng máy tính an toàn cho việc truyền tải thông tin bệnh nhân; Các máy tính trạm để xem, tối ưu hình ảnh, viết báo cáo và điều khiển thiết bị; Trung tâm dữ liệu để lưu trữ và cho phép truy cập với tính năng bảo mật) và HIS (hệ thống quản lý thông tin bệnh viện).

Với các ca chẩn đoán hình ảnh cần hội chẩn, bác sĩ Xanh Pôn sẽ truy cập vào hệ thống PACS của Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.  

Kỳ vọng
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn giới thiệu về hệ thống hỗ trợ khám bệnh từ xa của mô hình "Bệnh viện chị - em" (Ảnh: SKĐS)

Đưa “yếu tố Xanh Pôn” vào y tế tuyến cơ sở

- Qua 4 tháng đi vào triển khai, mô hình này đã đem lại hiệu quả thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Đình Tùng: Khi tham gia mô hình “Bệnh viện chị - em”, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chia thành 2 mảng giúp đỡ chính cho tuyến dưới.

Thứ nhất là giúp đỡ cho Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, thứ hai là Trung tâm Y tế huyện Ba Vì. Trung tâm Y tế còn liên quan tới các trạm y tế xã, các phòng khám đa khoa khu vực của Ba Vì.

Đối với Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, chúng tôi tập trung giúp đỡ về những vấn đề hiện nay bệnh viện còn chưa mạnh, trước hết là đơn nguyên cấp cứu. Trước đây, ở Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì không có Khoa Cấp cứu, chỉ là một bộ phận cấp cứu với số lượng vài giường; người dân địa phương chủ yếu di chuyển lên các khu vực khác như Vĩnh Phúc hay Phú Thọ (vị trí địa lý gần hơn so với các bệnh viện nội thành Hà Nội) khi có các vấn đề cấp cứu.

Chúng tôi đã giúp đỡ Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì thiết lập đơn nguyên cấp cứu với 30 giường bệnh hoạt động hiệu quả, hiện lúc nào cũng rơi vào tình trạng kín giường cấp cứu.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thành lập đơn nguyên Sơ sinh và tập trung hỗ trợ đơn nguyên này, trang bị các trang thiết bị cần thiết. Trẻ sinh ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì nếu có vấn đề có thể xử trí ngay tại chỗ trước khi chuyển lên tuyến trên. Thêm nữa, chúng tôi tổ chức, cải cách lại các hoạt động của đơn nguyên Thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đặc biệt, chúng tôi áp dụng sáng kiến triển khai quy trình khám chữa bệnh một chiều (tức đón tiếp bệnh nhân không dừng) đã áp dụng thành công tại Xanh Pôn cho Bệnh viện Ba Vì. Với quy trình này, tất cả các bước từ thăm khám, điều trị, lấy thuốc, ra viện… chỉ đi theo một đường, bệnh nhân không cần quay trở lại vị trí cũ.

Trước khi triển khai, khu khám chữa bệnh rất ùn ứ, nhưng bây giờ gần như thông thoáng. Trong công tác khám chữa bệnh, chúng tôi đưa “yếu tố Xanh Pôn” vào y tế tuyến cơ sở, giúp nâng cao năng lực khám chữa bệnh.

Về phía Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, chúng tôi tập trung nâng cao năng lực quản lý về các bệnh mạn tính. Trong đó, giai đoạn đầu tập trung quản lý các bệnh không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp,... Đồng thời, giúp đỡ củng cố phòng khám của Trung tâm có thể cấp cứu được ban đầu.

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn sẽ hướng dẫn cho Trung tâm Y tế huyện từ cách sàng lọc bệnh, chẩn đoán, can thiệp, khám chữa bệnh online,… Như vậy, bệnh nhân không cần chuyển lên tuyến huyện vẫn có thể khám và được cấp thuốc tại các Trạm y tế xã.

Để làm được điều này, ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi cũng giúp đỡ họ rất nhiều vấn đề từ kỹ thuật, quy trình, đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ y tế tới các vấn đề như tư vấn đấu thầu hóa chất, tư vấn mua hóa chất, tư vấn các xét nghiệm cần phải làm, máy móc như thế nào; bảo dưỡng, kiểm định máy móc sao cho đảm bảo chất lượng như chất lượng của bệnh viện,…

Ngoài ra, về quy trình chuyên môn kỹ thuật, các quy định về giá, dịch vụ kỹ thuật ở các tuyến dưới gần như chưa có, nên để hoạt động tốt cũng cần tư vấn về cách thức quản lý, điều hành, cả về mặt chuyên môn lẫn hành chính, để làm sao bộ máy hoạt động trơn tru, để tại trạm y tế xã bệnh nhân có thể khám với chất lượng ít nhất bằng của bệnh viện tuyến huyện, cao hơn nữa là chất lượng của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn mà không phải di chuyển xa.

Dần dần, việc này sẽ tạo nên thường quy ở trạm y tế và như vậy đem tới lợi ích rất lớn.

Kỳ vọng
PGS.TS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân (Ảnh: Xuân Quý)

 Giá trị nhân văn lớn cho người bệnh

- Các bác sĩ Xanh Pôn rõ ràng đã phải đảm nhiệm công việc khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn với số lượng bệnh nhân rất lớn. Vậy với việc hỗ trợ toàn diện, hàng ngày cho cả Bệnh viện đa khoa Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì theo mô hình “Bệnh viện chị - em”, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã bố trí nhân lực như thế nào để đảm bảo hoạt động hiệu quả ở cả hai tuyến, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Đình Tùng: Đây cũng là cái khó cho một bệnh viện đang tự chủ như Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Tuy nhiên, giúp đỡ tuyến dưới là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ mà bất kì bệnh viện tuyến trên nào cũng đều phải thực hiện. Từ xưa đến nay, các bác sĩ vẫn phải phân phối thời gian; bệnh viện vẫn phải phân phối thời gian, đảm bảo về nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ và chúng tôi vẫn làm thường quy.

Tất nhiên sẽ mất thời gian, mất kinh phí, mất rất nhiều nguồn lực nhưng đây là trách nhiệm của bệnh viện.

Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã họp với các khoa phòng, thống nhất giải pháp để chúng tôi có thể vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, nhưng vẫn dành được thời gian để hội chẩn, giúp đỡ Bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.

Ví dụ, các bác sĩ của Xanh Pôn trong một đêm trực trước đây chỉ trực cấp cứu tại bệnh viện, nhưng đến nay sẽ kiêm thêm nhiệm vụ hỗ trợ Ba Vì. Nếu tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì có ca cấp cứu, chúng tôi sẽ kết nối đường truyền và phân công bác sĩ hội chẩn, giúp đỡ cho tuyến dưới.

Đương nhiên, trong thời gian đầu, chỉ với Bệnh viện đa khoa Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, chúng tôi hoàn toàn có khả năng, tuy nhiên nếu mở rộng thêm các bệnh viện tuyến dưới khác thì cũng là vấn đề phải tính toán rất kỹ. Có thể sau này, khi Ba Vì đã hoạt động hiệu quả, thành công hơn, chúng tôi không cần hỗ trợ quá nhiều cho Ba Vì nữa thì Xanh Pôn sẽ tiếp tục giúp đỡ thêm bệnh viện khác, thay vì hỗ trợ cùng lúc quá nhiều bệnh viện.

- Có thể nhận thấy thực tế hiện nay, nhiều người dân không “mặn mà” với y tế cơ sở. Vì tâm lý không tin tưởng y tế cơ sở mà khi có các vấn đề sức khoẻ, người dân thường tìm tới các bệnh viện tuyến trên. Điều này khiến y tế cơ sở không phát huy được chức năng, hiệu quả; cũng dẫn tới hệ luỵ là quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Theo ông, việc triển khai thành công những mô hình như “Bệnh viện chị - em” có thể giúp tháo gỡ vấn đề này?

PGS.TS Đỗ Đình Tùng: Tôi cho rằng ngoài ý nghĩa nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến dưới thì mô hình “Bệnh viện chị - em” cũng mang lại giá trị nhân văn rất lớn cho người bệnh.

Bệnh nhân sẽ không phải di chuyển lên các tuyến trên để thăm khám và điều trị đối với những bệnh thông thường - các mặt bệnh mà ngay ở tuyến xã hoàn toàn có thể làm được nhưng trước đây do rất nhiều lý do về nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật mà chưa tạo dựng cho người dân có niềm tin.

Hay trong vấn đề cấp cứu, vừa rồi, sau khi triển khai mô hình “Bệnh viện chị - em”, mọi người đã biết đến đơn vị cấp cứu của Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, khi đột quy lập tức vào Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì và được bác sĩ Xanh Pôn thăm khám, cấp cứu giống như ở Xanh Pôn. Như vậy, sẽ không còn lý do người dân phải vất vả lên các bệnh viện tuyến trên.

Với mô hình về y tế, có lẽ không thể nhận biết hiệu quả ngay từ đầu. Nhưng chắc chắn rằng, sau 6 tháng hay 1 năm, mọi người sẽ thấy rõ hiệu quả.

Những hiệu quả chúng ta đã có thể thấy ngay là tỷ lệ thăm khám của Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã cao hơn rất nhiều, tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm đi.

- Ông có thể chia sẻ về định hướng triển mô hình “Bệnh viện chị - em” của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn trong thời gian tới?

PGS.TS Đỗ Đình Tùng: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ cho Ba Vì, các kỹ thuật đã triển khai tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cũng sẽ được triển khai, đẩy mạnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ tư vấn về chiến lược, phát triển chuyên môn, đào tạo con người, tư vấn về trang thiết bị trong năm 2024 và trong những năm sau nữa.

Với phía Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, sau 4 tháng vừa qua, chúng tôi chưa thể hỗ trợ được tất cả trạm y tế xã. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng sang các xã khác của huyện Ba Vì và bắt đầu nâng cao hơn nữa khả năng chuyên môn ở từng trạm y tế.

Tất nhiên, cũng cần thời gian dài để thưc hiện được tất cả những việc này.

- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Đỗ Đình Tùng!

Huyện Ba Vì là huyện xa nhất của Hà Nội, có 267.300 dân, bao gồm 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao. Từ trung tâm huyện Ba Vì về đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (trung tâm Thành phố) cách 60 km.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá Sở Y tế Hà Nội đã có những giải pháp sáng tạo, đồng thời thực hiện cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Bộ như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa áp dụng ngay tại tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt là đề xuất triển khai thí điểm mô hình "Bệnh viện chị - em" giữa Bệnh viện Xanh Pôn - Bệnh viện đa khoa hạng I với Bệnh viện huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế Ba Vì, là cách làm mới trong công tác chỉ đạo tuyến giữa tuyến trên và tuyến dưới.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết Sở Y tế Hà Nội đã nghiên cứu, sáng tạo mô hình "Bệnh viện chị - em" giữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm y tế huyện Ba Vì với mục tiêu Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.

“Với mô hình này, điều vô cùng quan trọng, không thể thiếu quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình đó là cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin giữa các cơ sở: như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nói.

Sức khỏe

Bộ Y tế tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2024
Sức khỏe

Bộ Y tế tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2024

Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, bánh trung thu tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Quang cảnh lễ ký kết
Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế ký kết chuyển giao kỹ thuật ghép thận

Ngày 12.9, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ Trần Quốc Luận cùng đoàn công tác của Bệnh viện đã có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế để tham quan học tập các kỹ thuật ghép thận, kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ – bỏng, đồng thời ký kết hợp đồng để Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện và chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ