Chiều ngày 25.9, thông tin từ CDC Hà Nội, trong tuần (từ ngày 15 đến 22-9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.404 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã.
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (174 ca), Phú Xuyên (161 ca), Cầu Giấy (150 ca), Đan Phượng (145 ca), Hoàng Mai (141 ca), Đống Đa (138 ca), Thanh Oai (135 ca), Ba Đình (124 ca), Nam Từ Liêm (120 ca), Chương Mỹ (107 ca), Thanh Trì (101 ca), Thanh Xuân (100 ca).
Nếu tháng 7 và tuần đầu tháng 8-2023, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội chỉ khoảng 500-600 ca/tuần, thì từ tuần thứ 2 tháng 8 trở đi, số ca mắc tăng lên 1.000 ca. Từ giữa tháng 9-2023 đến nay, số ca mắc tăng đột biến từ 2.200 đến 2.400 ca/tuần. Tuần qua là tuần ghi nhận số ca mắc kỷ lục từ đầu năm đến nay (hơn 2.400 ca/tuần).
Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 95 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã; trong đó quận Bắc Từ Liêm có tới 14 ổ dịch; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 13 ổ dịch; Đống Đa có 11 ổ dịch… Đây cũng là tuần ghi nhận số ổ dịch nhiều nhất từ đầu năm đến nay.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.
CDC thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh nhân sốt xuất huyết cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo dưới đây bởi vì đó có thể là dấu hiệu sốt xuất huyết nặng: Đau bụng dữ dội; Nôn liên tục; Chảy máu lợi, chân răng; Nôn ra máu; Thở nhanh; Mệt mỏi/ bồn chồn.
Khi nghi ngờ sốt xuất huyết nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì tình trạng này gây ra:
Thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp; Chảy máu nặng; Tổn thương tạng nặng và thậm chí là tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Tuấn khuyến cáo, khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân thường bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, có thể xuất hiện các triệu chứng như xung huyết, xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau (chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam), nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt, đau bụng vùng gan, vật vã, li bì.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, nếu không điều trị kịp thời có thể có biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau khi bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên.
Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị sốc do mất máu, có thể có xuất huyết võng mạc, suy tim, suy thận, tụt huyết áp, đau đầu dữ dội, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, người bệnh sốt xuất huyết nên đến bệnh viện để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Đặc biệt, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ yếu như tránh muỗi đốt, diệt muỗi trường thành và bọ gậy (loăng quăng), vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng.