Theo đó, phần lớn khả năng chữa bệnh của dứa đến từ bromelain là một loại enzyme protease, có tác dụng phân hủy protein thành các peptid nhỏ hơn và acid amin trong cơ thể.
Các nghiên cứu cho thấy, dứa hoạt động như một chất chống viêm và chống sưng phù, cung cấp các phytochemical, bao gồm bioflavonoid và tannin, giúp chống lại stress oxy hóa.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam gợi ý những lợi ích của quả dứa đối với sức khỏe như sau:
Nguồn vitamin C tăng cường miễn dịch
Mặc dù, dứa có tương đối ít calo, nhưng lại dồi dào vitamin C. Đặc biệt, vitamin C thường được sử dụng để hỗ trợ chức năng hệ thống miễn dịch và giảm thiểu các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, tiêu thụ trái cây giàu vitamin C thường xuyên có thể chống lại được các bệnh nhiễm trùng, cả virus và vi khuẩn, cũng như phòng chống bệnh ung thư.
Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước, có tác dụng chống oxy hóa, duy trì sức khỏe của các mô liên kết của cơ thể và nó có khả năng tổng hợp collagen. Bên cạnh đó, vitamin C cũng có thể giúp làm dịu, dưỡng ẩm da trong trường hợp da cháy nắng, da khô và bị kích ứng.
Đồng thời, dứa có thể giúp cơ thể chúng ta chống lại tác hại của các gốc tự do và giảm viêm, gốc tự do còn là nguyên nhân góp phần vào sự phát triển của ung thư.
Chứa nhiều chất xơ
Trái cây giàu chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư đại trực tràng. Chất xơ cũng có thể làm giảm lượng đường huyết, giúp phòng chống bệnh tiểu đường.
Dứa có tốt cho việc giảm cân không? Chất xơ là lý do khiến dứa có lợi cho việc giảm cân. Do hàm lượng chất xơ cao, một trong những lợi ích của dứa là có thể giúp chúng ta cảm thấy nhanh no mà không phải nạp nhiều calo.
Dứa có thể giúp ngăn ngừa táo bón và giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh, điều này rất hữu ích để giảm đầy hơi chướng bụng.
Cải thiện khả năng sinh sản
Các nghiên cứu cho thấy ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa vô sinh. Bởi các gốc tự do có thể gây hại cho hệ thống sinh sản, các loại thực phẩm có hoạt tính chống oxy hóa cao như dứa được khuyến khích cho những người đang cố gắng thụ thai.
Các chất chống oxy hóa trong dứa như vitamin C, β-carotene, các vitamin và khoáng chất khác như đồng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.
Về lợi ích của dứa đối với nam giới, chất chống oxy hóa đã được chứng minh là giúp tăng lưu lượng máu và khôi phục sự hình thành mô thích hợp trong cơ quan sinh dục, hỗ trợ tăng số lượng tinh trùng.
Tương tự, lợi ích của việc ăn dứa đối với phụ nữ bao gồm giảm viêm và hỗ trợ chữa lành các mô liên kết. Ngoài ra, ăn dứa có thể tăng cường sự tự tin trong tình dục bởi dứa có thể giúp cơ thể và chất lỏng có mùi dễ chịu hơn.
Bảo vệ chống lại bệnh tim mạch và béo phì
Dứa hữu ích đối với sức khỏe tim mạch vì chứa nhiều kali, vitamin C và chất chống oxy hóa. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một trong những lợi ích của nước ép dứa là khả năng bảo vệ tim mạch.
Kali trong trái cây giúp giảm nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch và đột quỵ; bảo vệ chống lại sự mất khối lượng cơ; bảo tồn mật độ khoáng của xương và giảm sự hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước ép dứa có thể có tác dụng có lợi đối với trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI), sự tích tụ chất béo trong cơ thể, lắng đọng mỡ gan và lipid máu do tác động đến hormone điều chỉnh cảm giác đói và béo phì.
Bổ sung nước ép dứa có thể giúp giảm đáng kể insulin và có tác dụng chống béo phì, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa.
Dứa cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch do tác dụng của bromelain, có thể chống lại quá trình đông máu giúp giảm nguy cơ đau thắt ngực do hẹp động mạch vành. Bromelain đã được chứng minh là có tác dụng ngăn các tiểu cầu trong máu kết dính với nhau hoặc tích tụ dọc theo thành mạch máu, cả hai nguyên nhân được biết đến gây ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Ngăn ngừa bệnh hen suyễn
β-carotene trong dứa có thể giúp giảm nguy cơ viêm đường hô hấp và hen suyễn. Độc tố, dinh dưỡng kém, ô nhiễm, lạm dụng kháng sinh và căng thẳng là những yếu tố nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn. Tất cả những yếu tố này đều gây ra viêm và dứa có thể giúp giảm viêm nhờ khả năng giải độc.
Cung cấp các chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe tâm thần
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng tiêu thụ rau và trái cây có hàm lượng chất dinh dưỡng cao có thể có tầm quan trọng trong trường hợp ngăn ngừa rối loạn trầm cảm.
Các chất dinh dưỡng như carbohydrate và chất chống oxy hóa được tìm thấy trong dứa có thể giúp cải thiện tâm trạng và chống lại chứng trầm cảm và lo lắng. Dứa là một nguồn tryptophan, một loại acid amin được cơ thể sử dụng để sản xuất serotonin hay còn gọi là “hormone hạnh phúc” chính của cơ thể.
Cùng với các chất dinh dưỡng khác như vitamin B, dứa giúp hỗ trợ hệ thống thần kinh, cung cấp năng lượng và sản xuất các hormone khiến tâm trạng tốt hơn.
Giúp chống lại bệnh ung thư
Theo các nghiên cứu gần đây, bromelain có các hoạt động chống ung thư và thúc đẩy quá trình chết theo chương trình của tế bào. Bromelain đã được phát hiện có khả năng gây độc tế bào chọn lọc và giúp tiêu diệt các tế bào ung thư trong một quá trình tự tháo gỡ (apoptosis), đồng thời khiến các tế bào khỏe mạnh không bị tổn thương.
Giảm viêm
Dứa hữu ích đối với những người bị viêm khớp. Điều này là do bromelain, đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm và giảm đau. Các trường hợp chấn thương có thể dùng dứa để giúp giảm đau.
Bromelain hoạt động trên chứng viêm bằng cách ngăn chặn các chất chuyển hóa gây sưng tấy. Nó cũng làm giảm sưng bằng cách kích hoạt một chất hóa học trong máu phá vỡ fibrin, do đó giúp giảm sưng.
Các nghiên cứu khác còn cho thấy dứa có tác dụng tốt đối với bệnh viêm đại tràng, viêm xoang… và bromelain là hợp chất có tiềm năng, được ứng dụng trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh.
Hỗ trợ tiêu hóa
Đối với tiêu hóa, dứa đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ trong việc phân hủy protein thành các peptid và acid amin. Dứa còn có thể làm dịu các triệu chứng của viêm loét dạ dày, viêm đại tràng và chống táo bón.
Bromelain cũng có vẻ hữu ích trong việc giúp ngăn ngừa các phản ứng tự miễn dịch do dị ứng thực phẩm thông thường. Các nghiên cứu đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy ăn dứa có thể giúp ích cho những người bị bệnh celiac, một chứng dị ứng với protein gluten có trong các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, do sự hiện diện của enzym bromelain.
Để có được những lợi ích của dứa trong chế độ ăn uống, chúng ta có thể trực tiếp hoặc chế biến thành các món ngọt, mặn. Hương vị nhiệt đới của dứa làm thanh ngọt hơn các món ăn châu Á, pizza và salad.
Ngoài ra, có thể thưởng thức dứa bất cứ lúc nào trong ngày, dù là ăn sáng hay tráng miệng. Bởi dứa cung cấp carbohydrate tự nhiên, nên dùng như một bữa ăn nhẹ trước khi tập luyện để bổ sung năng lượng.