Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận 63 ca bệnh tay chân miệng, tăng 34 ca so với tuần trước.
Trong đó, có 4 ổ dịch được ghi nhận ở trường mầm non tại: quận Hoàng Mai (2 ổ dịch, mỗi ổ 2 trường hợp), Đan Phượng (1 ổ dịch với 2 trường hợp), Thạch Thất (1 ổ dịch với 10 trường hợp).
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phát hiện 8 ổ dịch với 248 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng 183 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, còn 4 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội nhận định, số ca tay chân miệng trong tuần này đã tăng gấp 1,8 lần so với tuần trước, phần lớn ca bệnh là tản phát. Dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.
Ngoài tay chân miệng, dịch bệnh thủy đậu cũng đang bùng phát khi trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 166 ca mắc, tăng 86 ca so với tuần trước. Một số chùm ca bệnh thủy đậu được ghi nhận tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn như: trường mầm non Chu Minh, Ba Vì (12 trường hợp), mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp, Phúc Thọ (9 trường hợp), tiểu học Ngô Thì Nhậm, Tả Thanh Oai, Thanh Trì (20 trường hợp), mầm non Hạ Bằng, Thạch Thất (12 trường hợp).
Cộng dồn từ đầu năm 2023 tới nay, toàn thành phố ghi nhận 800 ca mắc thủy đậu, chưa có trường hợp tử vong.
CDC Hà Nội đánh giá, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, đã ghi nhận các chùm ca bệnh trong trường học. Bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
CDC Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ triển khai hoạt động giám sát các ổ dịch. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục trong công tác phòng chống, xử lý các ổ dịch tay chân miệng, thủy đậu trong trường học. Theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.
Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, là bệnh rất dễ lây truyền. Khi một người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi hoặc ho, các siêu vi theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài, tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh (được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh) là khoảng 2 - 3 tuần.
Dù thủy đậu bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn, tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất quan trọng. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Bệnh tay chân miệng do các chủng virus thuộc họ virus đường ruột (gọi chung là Enterovirus) gây ra. Hai nhóm tác nhân thường gặp là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh dễ lây từ người sang người.
Virus gây bệnh tay chân miệng có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua phân, dịch đường tiêu hóa, nước bọt và mụn nước. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do nuốt phải virus gây bệnh. Trẻ tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường chủ yếu thông qua bàn tay, rồi đưa lên miệng và nuốt phải virus.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng giống bất kể chủng virus gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong (như biến chứng viêm màng não, viêm não do virus, hoặc tổn thương cơ tim).