Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, triệu chứng của bệnh sỏi đường mật trong ngoài gan là:
– Đau bụng: đau hạ sườn phải, lan lên vai hoặc lan ra sau lưng.
– Sốt: sốt cao 39-40 độ kèm theo rét run và mồ hôi.
– Vàng da và củng mạc mắt: xuất hiện muộn hơn đau và sốt.
Ba triệu chứng đau bụng, sốt, vàng da lặp đi lặp lại nhiều lần gọi là tam chứng Charcot là tam chứng điển hình của sỏi đường mật.
Triệu chứng ít gặp khác là: Túi mật to, gan to, nôn, tiểu ít, thẫm màu, ngứa, đi ngoài phân bạc màu.
Khi bệnh nặng gây ra các biến chứng: Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật; Viêm tụy cấp do sỏi mật; Chảy máu đường mật; Áp xe gan đường mật; Sốc nhiễm trùng đường mật; Xơ gan mật và Ung thư đường mật do sỏi.
Cần xét nghiệm cận lâm sàng
Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần xét nghiệm máu: cần làm xét nghiệm về công thức máu, sinh hóa máu.
Chẩn đoán hình ảnh: Các phương tiện dùng để chẩn đoán có thể kể đến là siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ gan và đường mật, chụp đường mật qua nội soi ngược dòng.
3 cách điều trị
Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có 3 cách điều trị:
- Phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi lấy sỏi, dùng máy nội soi đường mật, tán sỏi điện thủy lực: an toàn, hạn chế tối đa tình trạng sót sỏi, đặc biệt là sót sỏi trong gan.
– Lấy sỏi ngược dòng qua nội soi tiêu hóa: Áp dụng khi chỉ có sỏi ống mật chủ, sỏi nhỏ.
– Lấy sỏi qua da: là phương pháp tán sỏi đường hầm qua da, phương pháp này có ưu điểm là ít can thiệp nhưng còn nhiều hạn chế đặc biệt là trong trường hợp có nhiều sỏi.