Theo lời kể của bố bệnh nhi, cách nhập viện 13 giờ, trẻ bị rắn con rắn có khoanh trắng khoanh đen dài khoảng 1 mét cắn ở mặt ngoài bàn chân trái và được người nhà đưa đi đắp thuốc nam ở thầy thuốc gần nhà. Sau đó, trẻ mệt dần, mỏi cơ vùng mắt, lưng.
Người nhà lo lắng đưa trẻ tới Bệnh viện huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, trẻ được đặt ống nội khí quản, truyền dịch rồi chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng: Trẻ tỉnh, không an thần, thở qua bóp bóng nội khí quản, SpO2 98%, HA: 100/42 mmHg, vết rắn cắn ở mặt ngoài bàn chân trái, không chảy máu, không hoại tử, tim đều tần số 50 lần/phút, cơ lực tay chân yếu 2-3/5, đồng tử 2 bên giãn 3mm, phản xạ ánh sáng kém, bụng mềm, sờ thấy cầu bàng quang.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám và quan sát hình ảnh con rắn do gia đình cung cấp, bác sĩ xác định bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn, nhiễm độc nặng gây suy hô hấp, yếu cơ toàn thân. Bệnh nhi được thở máy, điều trị hỗ trợ.
Sau 4 ngày thở máy, cơ lực toàn thân cũng như các cơ hô hấp dần được hồi phục, trẻ được rút ống nội khí quản. Tiếp tục sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, phục hồi hoàn toàn sức cơ tứ chi và các cơ hô hấp, không để lại di chứng thần kinh và được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết: Rắn cạp nia là một trong số loại rắn có nọc độc mạnh nhất, thường gây giãn đồng tử, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, đặc biệt gây liệt cơ hô hấp đe dọa trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân.
Bên cạnh đó, khi trẻ bị rắn cắn, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh, trấn an để trẻ nằm yên, rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị cắn, đặt chi thấp hơn so với tim và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đồng thời, bố mẹ cũng cần ghi nhận đặc điểm con rắn hoặc nếu bắt được, đập chết con rắn thì nên mang theo để giúp các bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời.
Không nên rạch da, nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vết cắn để không làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng; hạn chế buộc garo phía trên vết cắn bởi có thể tăng nguy cơ hoại tử chi bị cắn.