Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, chuyên ngành Ngoại Tiết niệu, khoa Ngoại, Bệnh viện Bưu Điện cho biết, bác sĩ cùng ê kíp vừa can thiệp thành công cho một bệnh nhân bị suy thận độ nặng chỉ vì 2 viên sỏi mắc ở cả 2 niệu quản.
Bệnh nhân là anh N.T.B., quê ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn xuất hiện tình trạng đi tiểu ít và người mệt mỏi nên đã đến bệnh viện thăm khám.
Qua phim chụp, BS Tùng nhận thấy nam bệnh nhân có 2 viên sỏi mắc ở cả 2 niệu quản.
Sau khi chụp phim, siêu âm và xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận độ nặng chỉ vì 2 viên sỏi mắc ở cả 2 niệu quản.
Theo BS Tùng, đường ống niệu quản kích thước chỉ 3-4mm, là con đường độc đạo để dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Bệnh nhân B. bị tắc cả 2 niệu quản vì 2 viên sỏi dẫn tới suy thận, phải can thiệp nội soi cấp cứu để lấy sỏi ra. Sau khi nghe bệnh tình của mình, người bệnh và người nhà bệnh nhân đã rất "sốc".
Sau khi có kết quả chẩn đoán, BS Tùng đã trực tiếp thực hiện phẫu thuật, ca phẫu thuật thành công và chức năng thận của nam bệnh nhân được cải thiện nhanh chóng. Trường hợp này nếu đến viện muộn hơn, nguy cơ suy thận, mất chức năng thận của bệnh nhân là rất cao.
BS Tùng cho biết thêm, suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng và không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Đây là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính. Tình trạng suy thận thường tiến triển chậm và không gây ra nhiều triệu chứng trong giai đoạn đầu.
Bệnh có thể có một số biểu hiện như: mệt mỏi, kiệt sức, rối loạn tiểu tiện như tiểu ít hơn, tiểu ra máu hoặc ra chất bọt, màu sắc nước tiểu khác thường. Ngoài ra có thể đau tức vùng thắt lưng...
Theo nhận định của BS Tùng, sỏi thận là một bệnh phổ biến ở Việt Nam, xuất hiện ở đủ mọi lứa tuổi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người trẻ bị sỏi thận có thể kể đến như:
Chế độ ăn uống không đúng: Đối với nhiều người trẻ, chế độ ăn uống không đúng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng sỏi thận. Ăn uống nhiều thực phẩm giàu oxalate như: rau cải, cà phê, chocolate, nho khô, đậu phụng, đậu đen, một số loại trái cây như xoài, dừa, táo, dùng nhiều đồ uống có cồn, nước ngọt... sẽ dễ dẫn đến việc tăng nồng độ các chất gây sỏi trong nước tiểu.
Thiếu nước uống: Thiếu nước uống làm tăng nồng độ các chất gây sỏi trong nước tiểu, làm cho chúng không được phân tán đều trong nước tiểu mà tập trung lại để hình thành sỏi.
Sử dụng các loại thực phẩm có nhiều chất bảo quản: Các loại thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, đồ ăn sẵn cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng sỏi thận.
Không có thói quen vận động: Không có thói quen vận động định kỳ, ngồi nhiều và nhịn tiểu có thể dẫn đến tình trạng sỏi thận, bởi vì việc vận động giúp kích thích lưu thông máu và nước tiểu, giúp loại bỏ các chất gây sỏi.
Áp lực tâm lý: Áp lực tâm lý do công việc, học tập, cuộc sống... cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng sỏi thận.