Chuyện bác sĩ vùng cao: Bám đá vượt lũ đêm cứu sản phụ

Giữa địa hình núi non đèo dốc, giao thông cách trở, lại đối mặt với những khác biệt về phong tục tập quán, những y, bác sĩ xã Thượng Trạch nói riêng và nơi vùng cao nói chung vẫn miệt mài bám bản thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con đồng bào, góp phần phát triển văn minh trên vùng biên giới.

Băng lũ đêm, vượt đèo sớm cứu người

Trạm Y tế xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có 9 cán bộ, y, bác sĩ với nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho bà con nhân dân tại 18 bản, trong đó phần lớn là người dân tộc Ma Coong và Arem.

Đến với Trạm trong một buổi trưa ngày 12 tháng Chạp, Trạm y tế đã vãn người dân đến xin thuốc, trở lại với sự bình yên vốn có của vùng bản làng giữa lõi Di sản thế giới và bên kia là biên giới Việt - Lào.

Nhưng ít ai biết rằng, ban ngày thường là giờ làm việc bình yên nhưng nhiều đêm muộn, khi sớm tinh mơ, các y, bác sĩ lại phải chạy đua với thời gian trên những cung đường đèo dốc gian nan để cứu người.

Chuyện bác sĩ vùng cao: Băng lũ đêm, vượt đèo sớm cứu người -0
Bản làng của người dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

“Phụ nữ thường trở dạ và ban đêm hoặc giữa đêm, người dân đến gọi thì chúng tôi sẵn sàng tư trang và lên đường luôn”, Bác sĩ Phan Văn Ngụy (SN 1971), trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch cho biết.

Do vậy, nhiều cuộc đỡ đẻ đã diễn ra trong điều kiện hết sức ngặt nghèo mà đến giờ nhớ lại, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hoa (SN 1973) vẫn không khỏi bất giác giật mình.

“Vào đêm muộn, lúc đó lại đang mùa mưa lũ, có sản phụ đang cần cứu giúp khi “vượt cạn” khó khăn nên chúng tôi phải lên đường ngay cho kịp. Nhưng khi đó chỉ có duy nhất một con đường mà phải băng qua suối, nước lũ dâng lên cao. Nguy hiểm lắm nhưng thời gian gấp rút, không thể nào chờ đợi thêm phút giây nào nữa, chúng tôi buộc phải lội suối, bám theo đá để nhanh nhanh đến nhà người dân. Nước ngập đến gần cổ,… đến giờ vẫn hãi hùng”.

Được biết, vào thời điểm cuối năm 2020, cây cầu nối trung tâm xã với các bản băng qua con suối đá vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, lúc bấy giờ, người dân nơi đây chỉ có thể băng đường theo ngầm tràn hoặc men theo suối đá để di chuyển giữa các vùng ở trung tâm.

Một dịp khác, vào khoảng 5 giờ sáng khi trời còn sớm, nghe người dân đến Trạm y tế nhờ cấp cứu sản phụ có nguy cơ băng huyết, hộ sinh Nguyễn Thị Hoa đã khẩn trương băng đường đèo để đến hỗ trợ nhanh nhất có thể. Giao thông cách trở khiến quãng đường vài chục km đi mất hơn 2 giờ đồng hồ. Đường dốc trơn trượt còn khiến chị Hoa ngã lăn 2m từ đỉnh dốc xuống. Nhưng thời gian không cho phép chần chừ, chị xuống con suối gần đó rửa qua vết thương rồi tiếp tục lên xe thực hiện nhiệm vụ.

Chuyện bác sĩ vùng cao: Băng lũ đêm, vượt đèo sớm cứu người -0
Bác sĩ Phan Văn Ngụy sắp xếp lại tủ thuốc phục vụ người dân (Ảnh: Khánh Trinh)

Khi đến nơi, bệnh nhân rơi vào nguy kịch, băng huyết. Trong trường hợp không có sóng điện thoại, giao thông cách trở, không thể thực hiện phương án cấp cứu nào khác, nữ hộ sinh chỉ có thể cố gắng hết mình để thực hiện các biện pháp y tế. May mắn thay, sản phụ sớm hồi phục trong sự thở phào nhẹ nhõm của nhân viên y tế.

“Trở lại Trạm lúc 1 giờ chiều, chiếc áo blouse trắng đã nhuộm màu đất đỏ, nhưng cũng nhẹ người hơn cả”, chị Nguyễn Thị Hoa nhớ lại.

Vì sức khỏe của người dân

Người dân đồng bào vùng biên giới chủ yếu sống theo từng cụm dân cư, phân bố rải rác trên khắp địa bàn đồi núi. Bản xa nhất ở cách trung tâm hơn 30km nhưng giao thông cách trở, đường đèo đan xen suối đá, nhiều nơi chưa được đầu tư đường bê tông, khiến quãng đường đi thêm nhiều phần khó khăn. “Có đoạn may mắn thì xe vào được đến tận bản. Nhưng cũng có nơi chúng tôi phải bỏ xe máy ở ngoài rồi đi bộ vào nhà dân, thành thử mất nhiều thời gian cho việc di chuyển”, các y, bác sĩ cho biết.

Chuyện bác sĩ vùng cao: Băng lũ đêm, vượt đèo sớm cứu người -0
Thùng chuyên dụng bảo quản vắc xin trong các hành trình tiêm chủng (Ảnh: Khánh Trinh)

Đối với công tác tiêm chủng, giao thông là một trong những trở ngại lớn nhất mà các viên chức vùng bản cao phải đối mặt. “Thông thường ở vùng đồng bằng, người dân sẽ đến trung tâm y tế hoặc các đơn vị để tiêm vaccine tập trung. Nhưng ở đây, do bà con chưa hiểu hết tầm quan trọng của tiêm chủng, chúng tôi phải đến tận bản, gõ cửa từng nhà và thực hiện công tác tuyên truyền, sau đó tiêm cho con em”, chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1985), cán bộ dân số Trạm y tế xã Thượng Trạch cho biết.

Trước thời điểm năm 2024, xã Thượng Trạch chưa có điện lưới, Trạm y tế phải sử dụng điện mặt trời cùng đơn vị gần đó, nên công tác bảo quản vaccine cũng phải lưu ý đặc biệt hơn. “Tủ lạnh ở Trạm khi nào cũng sẵn sàng đá bởi quá trình vận chuyển vaccine từ dưới xuôi lên sẽ cần bổ sung đá nhằm duy trì nhiệt độ”, chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.

Trong quá trình thực hiện tiêm chủng tại các bản, các cán bộ, y, bác sĩ cũng phải áp dụng quy trình trên, bảo quản vaccine trong thùng chuyên dụng có thêm đá lạnh và nhiệt kế. Trong suốt hành trình, nhiệt độ vaccine sẽ được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo an toàn sử dụng.

Chuyện bác sĩ vùng cao: Băng lũ đêm, vượt đèo sớm cứu người -0
Cán bộ dân số Nguyễn Thị Thu Hà xúc động tâm sự về hành trình xa gia đình, xa con, vì sức khỏe của người dân vùng biên giới (Ảnh: Khánh Trinh)
Chuyện bác sĩ vùng cao: Băng lũ đêm, vượt đèo sớm cứu người -0
Trạm là nhà, các cán bộ y tế là người thân cùng ăn bữa cơm nhà hàng ngày cùng nhau tại đơn vị

Cùng với sự miệt mài của các cán bộ, y, bác sĩ, bằng việc tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, nói chuyện và gắn bó cùng bà con, đồng bào dân tộc nay ngày một thêm tin tưởng và đồng lòng với các phương pháp y tế tiến bộ, giao phó con em để các cán bộ y tế chăm sóc.

“Gắn bó với vùng bản cao cũng đã 6 năm, những năm đầu đầy gian nan thách thức, khó khăn trăm bề. Nhưng nay bà con đã tin tưởng, thường xuyên ghé đến Trạm xin thuốc, hỏi bệnh. Đối với chúng tôi mà nói, sự tin tưởng ấy đáng giá để đánh đổi bao nhọc nhằn hơn cả”, bác sĩ Phan Văn Ngụy bộc bạch.

Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"
Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một trường hợp nguy kịch vì bệnh Whitmore. Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!
Sức khỏe

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!

Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định những cơ sở thẩm mỹ Minh Tuyết, Mậm Spa, Trinh Tây Spa chưa được các cơ quan có chức năng cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở thường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn lén lút, cảnh giác cao nên rất khó để xử lý, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan.

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn
Sống khỏe

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn

Trên hành trình tìm con đơn độc của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Giang (1988, quê Ninh Bình), chưa bao giờ họ muốn bỏ cuộc, cho dù đa số thời gian người chồng công tác xa, không thể chăm sóc động viên vợ mình. Nhưng chính sự yêu thương chân thành đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để giờ đây mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười nói của 3 cô con gái đáng yêu.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về ghép tạng
Tin tức

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về ghép tạng

Theo Hội Vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại Việt Nam đang đứng đầu các nước Đông Nam Á về ghép tạng với hơn 1.000 ca mỗi năm. Điều đặc biệt là chúng ta đã làm chủ hầu hết các kỹ thuật ghép tạng