Có khách từ Việt Trì xuống thăm, chị Thắm (tên nhân vật đã được thay đổi), 49 tuổi, sống tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã đặt cá chình biển tại một nhà hàng trên địa bàn để làm tiệc.
Tuy đây là lần đầu ăn món cá “đặc sản” này và chỉ ăn duy nhất 3 miếng nhưng chị Thắm cho biết sau vài tiếng đã thấy đau bụng quằn quại sau đó đi ngoài nhiều lần. Một lúc sau, chị bắt đầu bị co cứng cơ, tê lưỡi, cứng hàm và đổ mồ hôi nhễ nhại. Không chỉ vậy, chị Thắm còn liên tục cảm thấy rét và buồn bực trong người.
Sau khi phát hiện có dấu hiệu ngộ độc, chị Thắm được người nhà đưa vào bệnh viện tại địa phương để điều trị.
3 ngày trôi qua nhưng tình trạng chị Thắm trở nặng hơn. Gia đình quyết định đưa chị đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám.
“Chỉ vì tiếc nên ăn cố mà giờ phải nằm đây…”, chị Thắm nhìn bàn tay đang cắm ống truyền của mình.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số ca ngộ độc cá chình nhiều hơn hẳn số trường hợp ngộ độc cá nóc. Tảo biển hay cụ thể hơn là vi tảo chính là nguyên nhân gây ra độc tố.
Các loại tảo biển như Gambierdiscus toxicus là thức ăn của nhiều loài cá nhỏ. Các loài cá này lại là thức ăn của nhiều loài cá ăn thịt lớn hơn. Bởi thế, độc tố từ tảo sẽ đi vào chuỗi thức ăn và tích tuỹ trong chính thịt cá.
Cùng góp vui trong buổi liên hoan hôm đó, chị Hồng (tên nhân vật đã được thay đổi), 48 tuổi, cũng nhập viện trong tình trạng nguy hiểm.
“Đây là lần đầu tiên tôi ăn loại cá này. 21 giờ hôm đó, tôi bắt đầu bị tiêu chảy, nhức mỏi người, tê lưỡi, cứng cơ hàm và khó đi lại”, chị Hồng chia sẻ.
Tuy vậy, ban đầu chị Hồng chưa nhập viện để thăm khám ngay mà ở nhà theo dõi theo lời người thân. “Con gái tôi bảo chỉ cần đi ngoài nhiều lần là khỏi”, chị Hồng kể. Một giờ đồng hồ trôi qua, các triệu chứng của chị Hồng trở nên nặng hơn. Chị phải cấp cứu tại bệnh viện huyện Phúc Thọ ngay sau đó.
“3 ngày ở bệnh viện tôi không chợp mắt được. Tôi bắt đầu nôn mửa nhiều lần đến mức chân tay bủn rủn”, chị Hồng rùng mình. Khi không thấy có chuyển biến tích cực hơn, chị quyết định chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Tàn cuộc ngày hôm đó, 6 vị khách của chị Thắm đã xuất hiện triệu chứng ngộ độc ngay khi về đến Việt Trì, Phú Thọ.
Theo bác sĩ, ngộ độc có thể xảy ra riêng lẻ nhưng thường thành từng nhóm người bệnh. Nguyên nhân chủ yếu do khi đi du lịch, mọi người thường cùng ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loại cá nhập khẩu về tự chế biến.
Ngộ độc có thể được nhận biết qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong đó, triệu chứng ngộ độc giai đoạn cấp (ngay sau khi ăn) cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
“Nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, tê, ngứa ran ở tứ chi hoặc vùng miệng và toàn thân đều là những dấu hiệu cho thấy bị ngộ độc cá biển”, BS Nguyên liệt kê.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể xuất hiện các triệu chứng như: đau cơ, đau khớp, mệt mỏi và lạnh. BS Nguyên bổ sung: “Có những trường hợp bệnh nhân sẽ bị rối loạn thần kinh gây lo lắng và trầm cảm. Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến co giật, mất trí nhớ, ảo giác, hôn mê và tử vong”.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp sau để phòng tránh ngộ độc như trên:
-Tránh ăn nội tạng cá như: đầu, gan, tuyến sinh dục…
-Không nên ăn cá biển số lượng nhiều.
-Sau khi bị ngộ độc nên tránh uống rượu và ăn cá vì có thể làm tăng hoặc tái phát các triệu chứng.