Theo các bác sĩ, trong thời gian đỉnh điểm như tháng 5, 6 và đặc biệt ở khu vực Bắc Trung bộ, người dân cần hết sức thật trọng khi làm việc, lao động nhiều giờ liên tục dưới nắng nóng.
Thông tin từ lực lượng chức năng, liên tiếp trong các ngày 30.5 và 2.6 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế xảy ra hai sự việc thương tâm.
Ngày 30.5, trên địa bàn huyện Triệu Phong, Quảng Trị đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo ông Thích Minh Tuệ có tên L.T.S (trú tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong.
Tiếp đó, tới ngày 2.6 có thêm 2 người phụ nữ cùng đoàn người vào địa phận Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện nơi gần nhất để điều trị.
Theo ThS. BS nội trú Vũ Đình Hùng - Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng cao quá 40°C kèm theo rối loạn chức năng thần kinh trung ương (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật). Sốc nhiệt rất dễ xảy ra khi người bệnh làm việc, lao động nhiều giờ liên tục dưới nắng nóng mà không có trang bị chống nắng.
Nguyên nhân do mất cân bằng quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt làm nhiệt độ cơ thể tăng cao quá sức chịu đựng của tế bào, gây ra hậu quả thoái hóa protein và rối loạn hoạt động của cơ thể.
“Chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Điều trị bao gồm làm mát nhanh bên ngoài, bù dịch và hỗ trợ các rối loạn chức năng cơ thể,” bác sĩ Hùng cho biết.
“Chúng ta có thể phân loại sốc nhiệt theo hai loại kinh điển (classic heatstroke) và do gắng sức. Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, người có bệnh lý nền (tim mạch, chuyển hóa-nội tiết, thần kinh), suy nhược, trẻ em. Do tiếp xúc thụ động với môi trường có nhiệt độ cao kéo dài. Còn sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke) hay gặp ở người trẻ, khoẻ mạnh thực hiện bài tập nặng trong môi trường nhiệt độ tăng cao (vận động viên điền kinh, quân nhân).”
Những biểu hiện dễ nhận biết nhất của sốc nhiệt là than nhiệt bệnh nhân thân nhiệt vượt quá 40o C, da khô nóng, cảm giác chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, choáng hoặc ngất. Bên cạnh đó, do thần kinh trung ương bị rối loạn khiến bệnh nhân lờ đờ, kích thích, co giật hoặc hôn mê. Hơi thở nhanh, nông, suy hô hấp, ngừng thở. Tim mạch mất nước, tụt huyết áp, sốc.
Khi gặp người bị sốc nhiệt, bác sĩ Vũ Đình Hùng khuyến cáo, cần sơ cứu bằng cách làm mát, hạ nhiệt độ cơ thể xuống giới hạn an toàn; đánh giá và xử trí ban đầu nhằm đảm bảo hô hấp và tuần hoàn; đánh giá và xử trí các tổn thương kèm theo: co giật, sốt, mất nước. Và điều quan trọng nhất là khẩn trương vận chuyển bệnh nhân thật an toàn đến cơ sở y tế nơi gần nhất.
Trong thời gian đó, cần cởi bỏ bớt quần áo cho người bệnh, làm mát bằng khăn mặt ướt hoặc bằng túi nước nhỏ đặt vào vùng cổ, nách, bẹn. Chỉ cho người bệnh uống nước nếu tỉnh táo.
Theo ThS. BS nội trú Vũ Đình Hùng, cần cho người bệnh uống nước (nếu có thể): sử dụng nước đóng chai thể thao hoặc các dung dịch bù nước điện giải (như oresol). Chú ý trường hợp người bệnh không tỉnh táo, không cố gắng cho uống nước tránh sặc vào phổi.