Trước đó, vào ngày 9.8.2023, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ thông báo chuyển bệnh nhân nữ 50 tuổi ngụ tại Hậu Giang đột ngột ngưng tuần hoàn - hô hấp nguy kịch. Bệnh nhân hậu phẫu nội soi buồng tử cung ngày thứ hai, chẩn đoán lúc chuyển viện: Thuyên tắc phổi biến chứng ngưng tuần hoàn hô hấp. Lúc chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với tình trạng nguy kịch hôn mê, bóp bóng qua nội khí quản, huyết áp thấp dù đang sử dụng các thuốc vận mạch liều cao, suy hô hấp nặng, toan chuyển hóa nặng. Do có thông tin từ tuyến trước nên bệnh viện đã chuẩn bị sẵn các trang thiết bị, thuốc cấp cứu và ngay lập tức hội chẩn đặc biệt với các lãnh đạo khoa cấp cứu, sản, hồi sức cấp cứu, tim mạch, tim mạch can thiệp, chẩn đoán hình ảnh và nhanh chóng được xử lý cấp cứu, thở máy, chống toan...
Ngay khi tình trạng bệnh nhân cho phép di chuyển, các bác sĩ đã thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu để chẩn đoán nguyên nhân ngưng tuần hoàn hô hấp và chuyển bệnh nhân đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị tiếp với chẩn đoán hở van ba lá tăng áp phổi, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng. Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân ổn định dần, ngưng thuốc vận mạch, ngưng lọc máu liên tục, cai máy thở và rút nội khí quản thành công, đặc biệt tri giác bệnh nhân hồi phục tốt. Sáng 17.8, bệnh nhân tỉnh, sinh tồn ổn định, không sốt, trả lời các câu hỏi chính xác.
Trưởng khoa Hồi sức cấp chống độc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ- Bs.CK2 Dương Thiện Phước cho biết: Ngừng tuần hoàn là tình trạng gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu bình thường của tim làm ngừng trệ dòng máu tới các cơ quan. Đây là một tình trạng có tỷ lệ tử vong rất cao 80-90% và để lại di chứng rất nặng nếu không được xử lý đúng cách và thật nhanh. Số liệu thống kê tại Hoa Kỳ, ngừng tuần hoàn xảy ra ngoài bệnh viện có tỉ lệ tử vong trên 90%. Trong số bệnh nhân tim đập trở lại chỉ có 45% số ca sống sót. Trong số bệnh nhân sống sót chỉ có 30% ra viện. Nguyên nhân quan trọng nhất là do tác động của hội chứng sau ngừng tuần hoàn, đây là một quá trình bệnh lý đặc trưng bởi ba tổn thương chính: Tổn thương não sau ngừng tuần hoàn, rối loạn chức năng cơ tim sau ngừng tuần hoàn, đáp ứng với thiếu máu cục bộ/tái tưới máu hệ thống. Mức độ nghiêm trọng của các tổn thương trên không đồng nhất, trong đó tổn thương não vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong.
Thành công của ca bệnh đó chính là bệnh nhân không có di chứng thần kinh sau ngưng tuần hoàn là phối hợp nhiều yếu tố như: Bệnh viện Phụ sản Cần thơ đã thực hiện tốt cấp cứu ban đầu ngưng tuần hoàn hô hấp, quy trình báo động đỏ liên viện, trang thiết bị đại, sự phối hợp đồng bộ hiệu quả các chuyên khoa của bệnh viên Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho những người làm công tác khám chữa bệnh.