Can thiệp và chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng

- Chủ Nhật, 10/03/2024, 09:16 - Chia sẻ

Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư gan, phổi và dạ dày. Ở nữ giới, ung thư đại trực tràng đứng sau ung thư vú và phổi. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca mới, khoảng 8.000 người tử vong. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học "Kỹ thuật nâng cao trong nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD) điều trị ung thư sớm đại trực tràng" do Bệnh viện Bạch Mai vừa tổ chức.

Tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh sớm còn ít

Theo PGS.TS. Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa và gan mật (Bệnh viện Bạch Mai), ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp tại châu Á và đứng thứ 4 tại Việt Nam. Thực tế, khả năng phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm rất hiếm vì bệnh phát triển thầm lặng, hầu như không có triệu chứng sớm. Khi người bệnh có các dấu hiệu như đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, hoặc tiêu chảy xen táo bón, tiểu ra máu, mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu không l‎ý do, sờ thấy u bụng, thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh rất thấp.

"Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 800 - 1.000 bệnh nhân vào khám và nội soi tiêu hóa, trong đó nhiều trường hợp phát hiện ung thư. Nếu ở giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ xử lý luôn tổn thương ung thư, người bệnh không cần phải nội soi thêm hoặc phẫu thuật mở. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm còn ít" - PGS.TS. Nguyễn Công Long nhấn mạnh.

ThS.BS Trần Minh Hiếu, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ung thư đại trực tràng là ung thư có nguồn gốc từ đại tràng. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi; tuy nhiên, những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh ở giới trẻ. Hiện nay, đây là bệnh lý ung thư phổ biến tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày. Chính vì vậy, bất cứ ai cũng có khả năng mắc ung thư đại trực tràng.

Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường là người không hoặc ít tham gia các hoạt động thể dục thể thao; người bệnh có độ tuổi lớn hơn 50; người bệnh có tiền sử bị viêm loét đại tràng; người bệnh có chế độ ăn uống thiếu khoa học như thường xuyên ăn đồ dầu mỡ, các thực phẩm chứa nhiều chất béo no; người bệnh bị thừa cân, béo phì, không kiểm soát được cân nặng. Trong đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn; người hút thuốc lá hoặc uống bia rượu thường xuyên cũng có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư khác cao hơn bình thường...

Vì thế, việc tầm soát ung thư đại trực tràng rất quan trọng và để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, người dân cần tầm soát, tránh để bệnh ở giai đoạn muộn, gây khó cho điều trị và rút ngắn thời gian, chất lượng sống. Đặc biệt là các tổn thương tiền ung thư hay quen gọi là các polype đại trực tràng, khi phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể cắt bỏ, nhờ đó, chữa khỏi cho người bệnh.

Chủ động phòng ngừa bệnh

ThS.BS Trần Minh Hiếu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, điều trị ung thư đại tràng hiện nay là điều trị đa mô thức, kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, điều trị đích, xạ trị… Tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân, giai đoạn phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, phẫu thuật vẫn là phương pháp chủ yếu, ngoài việc cắt bỏ đoạn đại tràng có ung thư, các bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét hạch để bảo đảm lấy bỏ toàn bộ tổ chức ung thư.

Theo các chuyên gia, với sự tiến bộ của y học, nếu ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần tiến hành nội soi đại tràng để cắt tách dưới niêm mạc, tức là tiến hành lấy toàn bộ vùng niêm mạc bị ung thư qua nội soi. Đây là một can thiệp tối thiểu, điều trị khỏi bệnh hoàn toàn mà ít xâm lấn nhất, giúp cho thời gian nằm viện được rút ngắn và thời gian người bệnh hồi phục nhanh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc ESD đã được nghiên cứu và bắt đầu triển khai từ những năm 2014; trong vòng 5 năm gần đây, đã mở rộng và được tiến hành tại nhiều cơ sở y tế khác, từ công lập cho đến tư nhân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành lâm sàng, khi tiến hành cho nhiều bệnh nhân hơn, sẽ gặp các tổn thương phức tạp, ở vị trí khó, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và có thể có biến chứng.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng ngừa ung thư, tiến hành nội soi đại tràng định kỳ 3 - 5 năm/lần đối với người không có yếu tố nguy cơ, 6 tháng - 1 năm/lần đối với người có yếu tố nguy cơ (trên 50 tuổi, tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm đại tràng mạn tính, có yếu tố di truyền trong gia đình). Đặc biệt, người bệnh cần đi khám ngay khi có các triệu chứng; người có yếu tố di truyền trong gia đình nên đi khám sớm từ năm 20 tuổi...

Thanh Điểu
#