Theo đó, 10 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm: vaccine bại liệt, vaccine sởi, vaccine sởi - rubella, vaccine rotavin (rota), vaccine uốn ván - bạch hầu, vaccine uốn ván hấp thụ, vaccinevaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván, vaccine phòng lao đông khô, vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine viêm gan B.
Theo đại diện Bộ Y tế, ngay sau khi giá được phê duyệt, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Chương trình tiêm chủng mở rộng) đã và đang làm việc ngay với các nhà sản xuất vaccine để tiến hành ký hợp đồng mua sắm vaccine sớm nhất, nhằm có 10 loại vaccine phục vụ cho nhu cầu tiêm chủng mở rộng.
Liên quan đến công tác tiêm chủng mở rộng, thông tin với báo chí mới đây, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, ngày 15.12.2023, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine phối hợp 5 trong 1) có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viên gan B, viêm phổi do Hib, viên màng não mủ do Hib để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho các tháng đầu năm 2024.
Theo kế hoạch, trong quý I/2024, sẽ ưu tiên cho trẻ ≥ 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất. Tiêm trả mũi 2, mũi ba cho trẻ chưa được tiêm đủ ba mũi vaccine DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, trong quý I/2024, Chương trình tiếp tục tập trung tăng cường quản lý đối tượng, ưu tiên tiêm bù, tiêm trả mũi các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ngay sau khi được cung ứng vaccine.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cơ quan chuyên môn đã yêu cầu các điểm tiêm chủng trong trường hợp cần thiết có thể tăng số buổi tiêm chủng nhưng không tăng số trẻ trong 1 buổi tiêm chủng, cán bộ y tế phải nắm chắc những thông tin về an toàn tiêm chủng để truyền thông đến các bà mẹ, nhằm giúp cho bà mẹ theo dõi sát trẻ sau tiêm để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh không mong muốn...
Cùng đó, tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng: giám sát bệnh sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do virus rota; chuẩn bị triển khai uống vaccine rota là một vaccine mới trong tiêm chủng mở rộng tại 33 tỉnh, thành phố từ quý II/2024.
Đồng thời, Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học tại trường học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi, qua đó giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch tại cộng đồng.
Trong năm 2023, hoạt động này được triển khai trên quy mô nhỏ tại 12 tỉnh, thành của 4 khu vực gồm Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng.
Dự kiến đến năm 2024, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ mở rộng phạm vi triển khai thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học tại trường học sang 30% số tỉnh thành, từ năm 2025 sẽ triển khai trên toàn quốc.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết việc triển khai tiêm tại trường học nhằm tiêm vét, bù mũi cho các cháu bị hoãn hoặc bỏ lỡ các mũi tiêm chủng đầu đời. Điều này giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng dịch, tiết kiệm nguồn nhân lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt.
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược tiêm chủng trọn đời, để đạt các mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella, viêm gan B và nhiều bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng.
Đến nay, việc kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ khi nhập học đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…Với cách tiếp cận này nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh cũng như tiết kiệm nguồn lực so với việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt cho tất cả trẻ em trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, công tác kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vaccine khi nhập học cho các trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine là một hướng tiếp cận mới, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.