- Thủ tướng mong y bác sĩ làm hết sức mình cứu chữa nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini
- Vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư mini: Theo dõi đánh giá sát sao từng bệnh nhân
- Hà Nội: Hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân trong vụ hoả hoạn nghiêm trọng tại chung cư mini
- Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Lập tổ công tác đặc biệt, huy động mọi nguồn lực cấp cứu
- Hà Nội: Chăm sóc, điều trị tốt nhất cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini
Hàng trăm người tham gia cứu nạn vụ cháy chung cư mini
Hơn 23h ngày 12.9, ngọn lửa bùng lên tại tầng 1 của tòa chung cư mini ở số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, khởi đầu cho một “đêm kinh hoàng” đối với nhiều người dân Thủ đô.
Giữa hiện trường thảm khốc của vụ cháy, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhân viên y tế, các lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian giành giật sinh mạng của từng nạn nhân.
Theo thống kê, hơn 20 xe chữa cháy cùng hàng trăm lính cứu hỏa được huy động đến hiện trường dập lửa, cứu nạn.
Để cấp cứu cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn, lực lượng 115 Hà Nội cũng đã huy động lực lượng lớn chưa từng có. 10 xe cấp cứu và hơn 30 cán bộ y tế từ các Trạm Cấp cứu 115 trên địa bàn đã được huy động ra hiện trường.
Ngay khi vừa tiếp cận hiện trường, BS B., lực lượng 115 Hà Nội, bất ngờ trước mức độ nghiêm trọng của sự việc. Chị cùng các đồng nghiệp xác định đây sẽ là một thử thách cực kỳ khó khăn.
“Ngay khi chúng tôi đến, mọi thứ vẫn chìm trong làn khói mù mịt, một số nơi lửa vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn”, BS B. cho hay.
Vì ngõ vào chung cư mini này quá nhỏ nên anh cùng các đồng nghiệp tập kết cáng ở đầu ngõ. Các bình oxy và vật tư y tế phục vụ sơ cứu được đưa vào vị trí cách hiện trường một nhà, để kịp thời hỗ trợ các nạn nhân được lực lượng cứu nạn đưa ra.
Lực lượng 115 được chia thành hai nhóm chính. Một bộ phận túc trực ở sát hiện trường vụ cháy để tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân sớm nhất có thể, một bộ phận ở vòng ngoài thực hiện công tác sơ, cấp cứu sâu hơn cũng như đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
“Các nạn nhân được sơ cứu ngay khi đưa ra khỏi vụ cháy với quy trình cơ bản như sơ cứu tuần hoàn, ép tim, bóp bóng và uống thuốc vận mạch. Mọi hoạt động được thực hiện nghiêm túc theo dây chuyền”, BS B. chia sẻ.
Là người trực chiến ở vòng trong, BS Hoàng Phúc, Trạm trưởng Trạm Cấp cứu Từ Liêm cho biết, lực lượng y tế chạy đua từng giờ, từng phút để cấp cứu và vận chuyển các nạn nhân bị thương nặng của vụ cháy.
Cũng theo bác sĩ này, nhiều nạn nhân bị ngộ độc khí cháy.
Giữa hiện trường thảm khốc, những gia đình may mắn thoát nạn cũng đã thắp lên niềm hy vọng cho nhóm cứu hộ.
Theo BS B., có những nạn nhân may mắn sống sót do họ đã chạy lên tầng 9, tầng trên cùng của khu chung cư và biết cách lấy chăn đã được vẩy nước quấn xung quanh người mình.
“Có một gia đình 4 người, trong đó người vợ đang mang thai mai mắn thoát nạn. Ban đầu người vợ có dấu hiệu ngộ độc, đuối sức. Tuy nhiên, sau khi được lực lượng 115 cấp cứu bước đầu, chị dần hồi tỉnh.
Niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình được bình an như tiếp thêm năng lượng cho lực lượng cứu nạn tại hiện trường”, BS B. kể.
Theo thống kê sơ bộ của UBND quận Thanh Xuân, lực lượng chức năng đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân và đưa đi cấp cứu 54 người.
Cuộc chiến trên giường bệnh
Từ hiện trường vụ cháy, các nạn nhân bị thương nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một cuộc chiến khác lại bắt đầu.
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, trong vụ cháy có 4 trường hợp khi được đưa đến bệnh viện đã tử vong. Trong số này có 2 người lớn không xác định được thân nhân và 2 trẻ em. Bệnh viện đã chuyển 4 nạn nhân tử vong vào nhà đại thể. Ngoài ra, có 4 người bị thương được cấp cứu tại bệnh viện. Sau cấp cứu ban đầu, có 3 bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
"Trong số 3 bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có một phụ nữ 36 tuổi bị chấn thương đốt sống, một phụ nữ 31 tuổi và con 36 tháng bị ngạt khói", lãnh đạo bệnh viện cho hay.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã tiếp nhận 7 nạn nhân trong vụ hỏa hoạn này. Có một trường hợp 26 tuổi tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện.
Một bệnh nhân nhảy từ tầng 9 xuống bị đa chấn thương được các bác sĩ phẫu thuật. Bên cạnh đó có 2 bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu, 2 bệnh nhân chỉ bị bỏng và xây xát nhẹ đã được xuất viện.
Bệnh viện Bạch Mai là nơi tiếp nhận 26 nạn nhân của vụ cháy (2 trường hợp tử vong ngoại viện). Trường hợp cao tuổi nhất là 81 tuổi, nhỏ nhất là 8 tháng tuổi, 3 bệnh nhân ở trạng thái nguy kịch.
Thông tin về công tác điều trị nạn nhân vụ cháy chung cư mini, theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngay sau khi nhận thông tin, bệnh viện đã chỉ đạo tất cả hệ thống hồi sức cấp cứu tăng cường tiếp nhận điều trị người bệnh.
Hai dạng tổn thương chính là ngộ độc khí cháy và chấn thương do nạn nhân nhảy từ trên cao xuống thoát thân.
Sau công tác cấp cứu bước đầu, bệnh viện tiếp tục rà soát từng bệnh nhân một và hội chẩn toàn viện với 20 chuyên gia ở các chuyên khoa khác nhau.
“Ban giám đốc đã huy động toàn bộ nguồn lực để cấp cứu, điều trị nhanh nhất có thể để tối ưu điều trị và hạn chế tử vong”, PGS Cơ nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, về mặt chuyên môn đây là cấp cứu thảm họa. Đến nay, các chuyên gia đang tập trung về kinh nghiệm, trí tuệ, giám sát thường xuyên lâm sàng các bệnh nhân. Liên tục cập nhật thông tin lên Ban Giám đốc.
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định đây là một thảm họa với rất nhiều loại tổn thương và có thể xuất hiện thêm các tổn thương trong các ngày tiếp theo. Do đó cả bệnh viện tập trung để kiểm soát tình trạng sức khỏe và chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất".
Theo BS Lê Thị Lan Anh, Trung tâm Nhi khoa, từ 0h đã tiếp nhận 7 nạn nhân là trẻ em, cháu nhỏ nhất 8 tháng tuổi.
"Chúng tôi đã tích cực cấp cứu cho các cháu theo tinh thần hết sức khẩn trương và quyết liệt. Hiện các cháu đều thở oxy liều cao. Cháu nặng nhất bị ngộ độc khí CO.
Bộ Y tế chỉ đạo “nóng”
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã trực tiếp chỉ đạo vụ việc.
Tại buổi làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai, PGS Khuê đã chỉ đạo bệnh viện lập tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo xử lý vụ việc vì tiếp theo sẽ có rất nhiều vấn đề cần xử lý.
"Tôi đề nghị bệnh viện tiếp tục huy động mọi nguồn lực để cấp cứu, chăm sóc cho các bệnh nhân trong thảm họa này. Bộ phận thường trực chuyên môn của bệnh viện cần liên tục cập nhật tình hình điều trị để báo cáo lên Bộ Y tế", PGS Khuê nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khuê, sau vấn đề thảm họa bao giờ cũng là vấn đề tinh thần. Do đó, các khoa phòng cần huy động toàn lực chăm sóc, quan tâm người nhà các nạn nhân.
Không để người nhà bị hoảng loạn. Phải thông tin, tiếp đón người nhà, trấn an tinh thần. Đây là việc cực kỳ quan trọng.
Ngày 13.9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh liên tiếp có 2 công văn gửi Sở Y tế Hà Nội, các bệnh viện về việc phối hợp tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini.
Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện phối hợp với các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn.
Trước mắt, các đơn vị tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn, người nhà vượt qua khủng hoảng, an tâm điều trị, chưa thu các khoản phí.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội tổng hợp báo cáo gửi về Cục, cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế (nếu có) trước 17h hàng ngày.