Chiều 5.5, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong cho biết: “Tại Hội nghị Sinh hoạt khoa học kỹ thuật chuyên đề “Tối ưu hóa quy trình cấp cứu và điều trị Đột quỵ, vai trò của Quản lý chất lượng tại Đơn vị Đột quỵ”, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã được Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao tặng chứng nhận chuẩn Bạch kim (Platinum) cho những nỗ lực của khoa Đột quỵ trong cấp cứu và điều trị đột quỵ não thời gian qua.
Chứng nhận chuẩn Bạch kim là giải thưởng danh giá dành cho các đơn vị và trung tâm đột quỵ đạt các tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt, bao gồm: khả năng đào tạo nhân sự chuyên môn, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, can thiệp và điều trị đột quỵ cấp, ngoài ra khả năng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị.
Để có được chứng nhận này, bệnh viện phải có hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt được 8 tiêu chí khắt khe do WSO đề ra như: Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trước 60 phút và trước 45 phút; tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được bắt đầu can thiệp mạch máu não trước 120 phút và trước 90 phút; tỉ lệ tái thông được mạch máu bị nghẽn tắc trên tổng số bệnh nhân nhập viện; Tỷ lệ bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CTScan (Chụp cắt lớp vi tính) hoặc MRI (Chụp cộng hưởng từ), tỉ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn nuốt tại đơn vị…. Đặc biệt, tiêu chí quan trọng nhất cũng là khó đạt nhất đối với chứng nhận Bạch kim là tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái thông trên tổng số bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não tới viện phải đạt trên 15%; tỉ lệ bệnh nhân có thời gian từ khi vào viện tới khi được điều trị tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học nhỏ hơn 60 phút đạt trên 75%.
Cấp cứu đột quỵ là sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: Khoa Cấp cứu, khoa Đột quỵ, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Nội thần kinh, và khoa Ngoại thần kinh. Với tiêu chí “Thời gian là não”, cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là một trong những cấp cứu khẩn cấp chạy đua với thời gian để tái thông mạch máu bị tắc. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa đóng vai trò quan trọng nhất để giúp rút ngắn tối đa thời gian bệnh nhân được điều trị đặc hiệu. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang áp dụng quy trình chăm sóc bệnh nhân đột quỵ theo các tiêu chuẩn của Hội đột quỵ Châu Âu, giúp nhất quán trong quá trình điều trị, tăng khả năng điều trị thành công cho người bệnh.
Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp được cấp cứu kịp thời và điều trị tái thông tăng dần qua các năm. Hiện tại, nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật cao đang được tập thể y bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh, khoa Đột quỵ, khoa Chẩn đoán hình ảnh triển khai thường quy như: Tiêu sợi huyết điều trị nhồi máu não cấp, can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cấp, đặt coil điều trị phình mạch não, đặt stent điều trị hẹp động mạch cảnh ngoài sọ, phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân đột quỵ...
Để điều trị đột quỵ kịp thời, hiệu quả, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cùng với các phương tiện hiện đại để chẩn đoán và điều trị đột quỵ, bao gồm: 3 hệ thống máy CTscan, 2 hệ thống máy MRI (trong đó có một hệ thống MRI 3.0 Tesla hiện đại), 3 hệ thống máy DSA (hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền) dùng cho can thiệp mạch máu nên có thể cùng lúc triển khai can thiệp đồng thời nhiều bệnh nhân đột quỵ vào viện cấp cứu, bệnh viện còn có 4 e- kíp can thiệp đột quỵ.
Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng cho biết, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị đột quỵ, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang triển khai thực hiện kế hoạch mở rộng khoa Đột quỵ và sẽ thành lập Trung tâm Đột quỵ trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.