Nhóm này gồm rất nhiều bệnh lý khác nhau, tỉ lệ mắc không cao, triệu chứng không đặc hiệu, có nhiều bệnh có những đặc điểm về triệu chứng lâm sàng và hình ảnh học khá tương tự với nhiều bệnh lý hô hấp khác nên việc tiếp cận chẩn đoán và phân loại là một thách thức với các bác sĩ lâm sàng. Thêm vào đó, việc điều trị cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, phương tiện, giá thành cao.
Về mặt dịch tễ, tỉ lệ mắc của từng bệnh phổi kẽ không cao, nhưng tổng hợp chung cả nhóm bệnh phổi kẽ cũng gây ảnh hưởng lên một số lớn người bệnh với tần suất mắc 76/100.000 dân tại Châu Âu và 74,3/100.000 dân ở Hoa Kỳ.
Trong đó có 3 bệnh phổi kẽ phổ biến nhất là Sarcoidosis, Bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết và Xơ phổi vô căn, với tỉ lệ tương ứng là 30,2; 12,1; 8,2 ca trên 100.000 dân.
Trong nhóm này, có một số bệnh phổi kẽ, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mạn tính, gây xơ phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, cuộc sống của người bệnh.
Chia sẻ bên lề lễ thành lập Chương trình Bệnh phổi kẽ, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, tại Việt Nam, trong những năm gần đây nhờ sự tiến bộ của các phương tiện thăm dò chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt chụp cắt lớp vi tính lồng ngực độ phân giải cao, tỉ lệ phát hiện bệnh nhân viêm phổi kẽ tăng lên đáng kể.
Người bệnh phổi kẽ tại Việt Nam thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như suy hô hấp, tâm phế mạn với các biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục trên phim chụp HRCT. Bên cạnh những bệnh phổi kẽ thường gặp như IPF, CTD-ILD, sarcoidosis, căn nguyên về nhiễm trùng và nghề nghiệp cũng là nhóm gây bệnh phổi kẽ tại Việt Nam.
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương hàng ngày điều trị cho từ 70 – 100 bệnh nhân. Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.
Điều trị bệnh phổi kẽ đối với người bệnh phổi kẽ giai đoạn cuối ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ, như thở oxy dài hạn tại nhà, phục hồi chức năng hô hấp, dự phòng nhiễm khuẩn.
PGS Nhung chia sẻ: “Có những trường hợp mắc bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh, tiên lượng còn xấu hơn cả ung thư. Do đó, việc chẩn đoán sớm và chính xác giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh là rất cần thiết”.
Theo đó, bệnh phổi kẽ thời gian sống thêm từ lúc chẩn đoán trung bình chỉ 2,5 năm. Trong khi đó, người bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm đến 80%. Nhiều bệnh trường hợp ung thư ở giai đoạn muộn nhưng được điều trị đích, có thể sống 3 năm, thậm chí nhiều hơn.
Bên cạnh đó, bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ (bẩm sinh như xơ nang phổi) nhưng đa số bệnh nhân từ 40 tuổi. Vì vậy, những người có tình trạng khó thở nhưng không rõ nguyên nhân cần lưu ý và đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời. Bởi đây là triệu chứng chỉ điểm của bệnh phổi kẽ.
Với các đặc điểm lâm sàng, hình ảnh học, giải phẫu bệnh cũng như cơ chế bệnh sinh đa dạng và không đồng nhất, các khuyến cáo trên thế giới đã đề cập đến vai trò của hội đồng đa chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ.
Do đó, với thực trạng hiện nay, theo PGS Nhung, để giải quyết tốt nhất với bệnh phổi kẽ chúng ta cần có định hướng chiến lược là: Áp dụng tối ưu các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, hội đồng đa chuyên khoa cho chẩn đoán và điều trị bằng một mạng lưới chuyên khoa, từ trung ương đến tuyến cơ sở để phát hiện sớm và chăm sóc hiệu quả lâu dài, bền vững. Với chiến lược này người bệnh vừa có thể được chẩn đoán và điều trị đúng mà không làm quá tải ở tuyến trung ương.