Bác sĩ lưu ý 9 cách phòng say nắng, say nóng cho trẻ trong mùa hè

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong mùa nắng nóng oi bức, bên cạnh các bệnh lý thường gặp ở trẻ em như bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, da,… phụ huynh cần đề phòng tình trạng say nắng, say nóng ở trẻ.

Các bác sĩ cho biết, khi nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể sẽ có phản ứng để giảm nhiệt độ cho cơ thể như: giãn nở mạch máu, tiết ra nhiều mồ hôi. Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định, nhằm thích ứng với môi trường xung quanh. 

Khả năng này ở mỗi trẻ sẽ có một ngưỡng đáp ứng khác nhau. Khi sự điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi nhiệt độ tăng nhanh và cao của môi trường bên ngoài, sẽ dẫn đến bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi, gây ra những biến đổi trầm trọng trong cơ thể.

Trẻ bị say nắng, say nóng có thể gặp các tình trạng: sốt cao trên 40 độ C, buồn nôn và nôn; da nóng, khô, đỏ; tăng nhịp tim, khó thở; có thể bị ảo giác như nói lắp, không kiểm soát được hành vi, co giật hoặc hôn mê; đau, nhức nhói đầu. Trường hợp không được cấp cứu kịp thời thậm chí có thể gây tử vong.

9 lưu ý phòng say nắng, say nóng cho trẻ trong mùa hè -0
Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và rất dễ bị say nắng, say nóng (Hình minh họa)

Phụ huynh xử trí thế nào khi trẻ bị say nắng, say nóng?

Bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ bị say nắng, say nóng, cha mẹ cần bình tĩnh để có cách xử trí kịp thời. Cần thực hiện nhanh các biện pháp sau:

- Gọi bác sĩ hoặc xe cấp cứu ngay lập tức.

- Làm mát cho trẻ càng nhanh càng tốt bằng cách bế trẻ đến chỗ mát, thoáng khí. Lau mát bằng nước mát và quạt cho bé. Lưu ý, trong các trường hợp say nắng, say nóng, việc cho uống hạ sốt như Ibuprofen hoặc Paracetamol cũng không làm trẻ hạ sốt.

- Nếu bé hôn mê, hãy gọi hỗ trợ và hồi sức tim phổi ngay.

- Nếu bé còn tỉnh, cho bé uống một ly nước lạnh, uống mỗi 15 phút cho đến khi bé cảm thấy đỡ hơn.

- Liên tục theo dõi thân nhiệt tim phổi của bé trong khi đợi bác sĩ và xe cấp cứu.

Ngoài ra, mệt lả do nóng cũng là tình trạng nhiều trẻ gặp phải trong mùa hè khi nhiệt độ tăng cao và hoạt động, tập luyện thể lực nhiều giờ dưới trời nóng bức. Cha mẹ cần chú ý, khi trẻ có các triệu chứng mệt lả do nóng (như da lạnh, nhợt nhạt, ra mồ hôi, hoa mắt, ngất, yếu mệt), cần gọi bác sĩ ngay lập tức.

Đồng thời, đặt trẻ nằm ở nơi mát mẻ, thoáng khí; cho trẻ uống một ly nước lạnh mỗi 15 phút cho đến khi trẻ thấy tỉnh táo hơn. Sau khi cho trẻ uống 2 - 3 ly nước, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ đánh giá tình trạng mất nước của trẻ và điều trị bù nước phù hợp. Vẫn tiếp tục cho bé uống nước trên đường đến cơ sở y tế.

Phòng tránh say nắng, say nóng cho trẻ trong mùa hè

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em là đối tượng đặc biệt nhạy cảm và rất dễ bị say nắng, say nóng.

Nhiệt độ môi trường là yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề sức khỏe, nhưng cũng không hoàn toàn là yếu tố quyết định duy nhất, mà còn do ảnh hưởng đồng thời của môi trường kín khí gây khó thở; cơ thể thiếu nước, mặc quần áo quá chật,..

Ví dụ, trời nóng 36 độ C nhưng người đứng trong bóng râm, thoáng khí ít có nguy cơ say nắng, say nóng hơn khi ở ngoài trời, vận động thể lực mạnh dưới cái nóng 32 độ C, hoặc bị quần áo che kín (nhất là với trẻ nhũ nhi). Một đứa trẻ ở trong xe hơi đóng kín cửa sẽ dễ bị say nóng do thiếu oxy và bị ánh nắng ở ngoài chiếu thẳng vào, dù nhiệt độ môi trường lúc đó chỉ 25 độ C.

9 lưu ý phòng say nắng, say nóng cho trẻ trong mùa hè -0
Phụ huynh tuyệt đối không để trẻ 1 mình trên xe. Khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ (hình minh họa)

Do đó, để phòng tránh trẻ bị say nắng, say nóng trong mùa hè, các bậc phụ huynh cần lưu ý 9 điều sau:

- Những ngày nắng nóng, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi.

-  Không nên cho trẻ vận động ở cường độ cao và liên tục quá 2 giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện, vận động và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi.

- Cho trẻ dưới 6 tháng bú mẹ nhiều lần hơn (người mẹ cũng phải uống nước nhiều hơn). Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể cho uống thêm nước đun sôi để nguội sao cho trẻ đi tiểu ít nhất từ 6 đến 8 lần mỗi ngày. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng nhắc nhở con uống nước thường xuyên, tránh để trẻ bị mất nước.

- Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ. Nếu trẻ vừa đi ngoài về tránh cho vào phòng điều hòa ngay. Không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa và không gian nóng bức bên ngoài.

- Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng.

- Nếu cho trẻ đi ô tô, tuyệt đối không để trẻ 1 mình trên xe. Khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ.

- Hãy tắm cho các trẻ bằng nước mát khi nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng gay gắt. Việc này sẽ giúp điều hòa thân nhiệt của các bé.

- Bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.

- Đối với trẻ lớn, phụ huynh nên động viên trẻ tập luyện thể thao thường xuyên giúp cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống hơn, tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi
Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, bà T.T.T., 54 tuổi, ở Long An đã gặp phải sự cố bị cồn nóng đổ vào người. Cồn bắt lửa, bốc cháy, gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"
Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một trường hợp nguy kịch vì bệnh Whitmore. Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!
Sức khỏe

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!

Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định những cơ sở thẩm mỹ Minh Tuyết, Mậm Spa, Trinh Tây Spa chưa được các cơ quan có chức năng cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở thường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn lén lút, cảnh giác cao nên rất khó để xử lý, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan.

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn
Sống khỏe

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn

Trên hành trình tìm con đơn độc của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Giang (1988, quê Ninh Bình), chưa bao giờ họ muốn bỏ cuộc, cho dù đa số thời gian người chồng công tác xa, không thể chăm sóc động viên vợ mình. Nhưng chính sự yêu thương chân thành đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để giờ đây mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười nói của 3 cô con gái đáng yêu.