Chảy máu cam có thể xuất hiện vì nhiều lý do, bao gồm: Mạch máu quá nhạy cảm và có thể vỡ khi thời tiết hanh khô, hoặc khi sử dụng lò sưởi, máy điều hòa trong một thời gian dài; Dị ứng, nhiễm trùng ở mũi họng và xoang; Trẻ ngoáy mũi hay các loại chấn thương cục bộ khác; Trẻ xì mũi quá mạnh; Trẻ nhét dị vật vào mũi; Rặn mạnh khi đi ngoài phân bị táo bón.
Một số nguyên nhân khác như Vách ngăn mũi bị vẹo; Thở oxy qua ống thông mũi; Nguyên nhân từ một số loại thuốc như thuốc chống viêm, các loại thuốc xịt mũi; Gãy xương mũi hay vỡ nền sọ (cần đặc biệt cẩn thận nếu chảy máu mũi xuất hiện sau chấn thương đầu); Bệnh chảy máu hay rối loạn đông máu. Rất hiếm khi, các khối u (lành tính và ác tính) có thể là thủ phạm gây chảy máu mũi.
TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn phụ huynh 5 bước xử trí khi trẻ bị chảy máu cam. Cụ thể:
Bước 1: Trấn an, động viên, an ủi để trẻ không hoảng sợ.
Bước 2: Giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, nghiêng đầu nhẹ về phía trước.
Bước 3: Bóp mũi: Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi của trẻ khoảng 10 phút. Chú ý, không bóp phần xương sống mũi hay ấn một bên cánh mũi, kể cả nếu chỉ chảy máu ở một bên mũi.
Bước 4: Thả tay ra sau 10 phút và chờ đợi, giữ im lặng. Nếu máu không ngừng chảy, lặp lại bước này. Nếu sau hơn 10 phút nữa mà máu vẫn chảy, cha mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Bước 5: Sau bước sơ cứu, để trẻ nằm nghỉ một lúc. Nếu thấy máu vẫn chảy xuống cổ họng thì đặt trẻ nằm nghiêng. Tránh để trẻ nuốt máu vì có thể gây nôn mửa, khó chịu.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đến viện khi thấy con có một trong các biểu hiện sau:
- Không cầm máu sau khi sơ cứu trong vòng 20 phút.
- Chảy máu tái đi tái lại nhiều lần.
- Máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu.
- Chảy máu do chấn thương.
- Cảm thấy người yếu, chóng mặt.
- Máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi đã ngồi ngả đầu về phía trước.
- Chảy máu mũi khi dùng một loại thuốc mới.
- Chảy máu mũi đi kèm các vết tím khắp cơ thể hoặc kèm chảy máu ở khu vực khác như trong phân, nước tiểu.
- Đang dùng các thuốc chống đông máu.
- Trẻ có bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới đông máu như bệnh gan, thận, Hemophilia hoặc mới trải qua hóa trị liệu.