Ngày 2.2, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh thông tin, tiếp nhận nữ bệnh nhân D.T.M (66 tuổi, Quảng Ninh), người nhà vô tình phát hiện bà trong tình trạng ý thức lơ mơ, suy hô hấp sau khi ăn lá ngón.
Sau đó, người bệnh được đưa vào Trung tâm y tế huyện Bình Liêu cấp cứu. Tại đây, kíp bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, bơm than hoạt tính, trong quá trình cấp cứu người bệnh có tình trạng ngừng tim, ngừng thở, được khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau khoảng 3 phút, bệnh nhân có tái lập tuần hoàn tự nhiên.
Người bệnh được đặt ống nội khí quản, bóp bóng có oxy hỗ trợ, duy trì thuốc vận mạch đảm bảo huyết áp và lập tức chuyển Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh tiếp tục điều trị.
Người bệnh vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, glasgow 7 điểm, phản xạ đồng tử với ánh sáng kém, thở hoàn toàn theo máy qua ống nội khí quản, mạch 87 lần/phút, Huyết áp 100/60 mmHg có duy trì thuốc vận mạch.
Các bác sĩ đã phối hợp các biện pháp điều trị, hồi sức tích cực, tiếp tục dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố, thở máy hỗ trợ hô hấp, đảm bảo chức năng tuần hoàn bằng thuốc vận mạnh, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâmkiểm soát cân bằng dịch và điện giải, theo dõi huyết áp động mạch liên tục.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân M. đến nay đã tỉnh táo hoàn toàn, hô hấp đảm bảo, mạch huyết áp ổn định, đã ngừng được thuốc vận mạch, vận động chân tay bình thường, được ngừng thở máy và rút ống nội khí quản, tự thở tốt. Hiện được chuyển Tim mạch tiếp tục theo dõi điều trị.
Bác sĩ Dương Ngọc Lâm, khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cho biết, chất độc có trong lá ngón hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện chỉ từ 5 – 30 phút sau khi ăn.
Biểu hiện cụ thể như đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, sụp mi, giãn đồng tử, khô miệng, khó nói, khó nuốt, khít hàm, yếu liệt, khó thở, liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở, làm rối loạn nhịp tim ảnh hưởng chức năng tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này. Việc xử trí ngộ độc lá ngón chủ yếu qua các biện pháp điều trị hồi sức, trong đó quan trọng người bệnh cần thực hiện càng sớm càng tốt việc hạn chế hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt, truyền dịch, đảm bảo chức năng sống ổn định, kiểm soát tốt các chức năng hô hấp, tuần hoàn, xử lý các rối loạn nhịp tim, trong khi chờ độc tố được đào thải.
Theo bác sĩ Lâm, cây lá ngón thuộc họ cây leo, lá nhỏ (hình như lá trầu không nhưng mỏng), hoa màu vàng. Chất độc chết người trong lá ngón là Alkaloid, tác động mạnh mẽ lên hệ thần kinh trung ương gây co giật, liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, có thể gây chết người trong thời gian ngắn.
Thời gian qua, tại Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận không ít vụ ngộ độc do lá ngón, thường xảy ra ở các khu vực vùng núi phía bắc, nơi cư trí của nhiều đồng bào dân tộc ít người.
Tỷ lệ cứu sống thường thấp bởi hầu hết bệnh nhân ngộ độc thường phát hiện muộn, khi đó chất độc trong cây lá ngón đã gây tổn thương trầm trọng các cơ quan. Bởi lá ngón là một trong 4 loại cây có độc tính cao nhất, rất giống nhiều cây thuốc, rau ăn được nên dễ gây nhầm lẫn.
Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Đồng thời, khi phát hiện người bị ngộ độc lá ngón, cần xử trí sớm, tích cực, khẩn trương. Nếu người bệnh còn tỉnh cần sử dụng các biện pháp gây nôn ngay lập tức để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và điều trị kịp thời.