Hằng năm cứ vào tháng Tết cũng là lúc thị trường thực phẩm, đồ uống (F&B) nói chung và thị trường nước giải khát, bánh mứt kẹo nói riêng trở nên sôi động hơn bao giờ hết với mức tăng khoảng 30% so với tháng bình thường.
Tuy vậy, với hàm lượng calo cao, việc tiêu dùng hợp lý, thông minh các sản phẩm này là cách để mọi người tận hưởng niềm vui và bảo vệ sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh béo phì
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định nguyên nhân của thừa cân béo phì là sự mất cân bằng giữa năng lượng được nạp vào và năng lượng được tiêu hao. Trong đó về chế độ dinh dưỡng, tình trạng thừa cân béo phì có nguyên nhân từ việc gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo và đường.
Điều này, có thể được hiểu rằng bên cạnh đồ uống có đường, các thực phẩm có khả năng gây thừa cân béo phì đến từ các thực phẩm giàu chất béo và các thực phẩm có đường khác.
Các nghiên cứu của Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong cho thấy thừa cân béo phì còn do sự gia tăng của tình trạng lười vận động do môi trường sống hiện đại khiến con người dễ dàng tiếp cận với các phương tiện giao thông hiện đại, phương tiện và dụng cụ lao động không tốn nhân lực, phương tiện giải trí sẵn có tại nhà.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có mối tương quan giữa béo phì, thừa cân với tuổi tác, trình độ học vấn, khu vực sinh sống, thời gian trung bình của giấc ngủ, thời gian, môi trường làm việc, di truyền, nội tiết, sử dụng thuốc.
Một số nghiên cứu điển hình gần đây đã ch thấy điều đó. Chẳng hạn, nghiên cứu của WHO về tỉ số Z của trọng lượng theo chiều cao WHZ (Weight-for-height z-scores) sử dụng để phân loại suy dinh dưỡng gầy còm, bình thường, thừa cân và béo phì.
Kết quả chỉ ra là WHZ có quan hệ nghịch chiều với cấp học, thời gian ngủ buổi tối, tần suất sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa; liên quan thuận chiều với thời gian tĩnh tại ngày nghỉ.
Hay, tại Ấn Độ, nghiên cứu về béo phì chỉ ra rằng tỷ lệ béo phì ở những người trên 40 tuổi, có bằng đại học, sống ở khu vực thành thị nhưng không có lối sống lành mạnh là cao hơn nhóm những người dưới 40 tuổi, học vấn thấp, sống ở khu vực nông thôn và tích cực vận động.
Gần đây nhất, một nghiên cứu của Nhật Bản được thực hiện với sự tham gia của hơn 8.000 trẻ em, chỉ ra mối tương quan giữa thời gian ngủ và bệnh béo phì. Với những em có thời gian ngủ dưới 8 tiếng thì có khả năng bị béo phì cao hơn so với những em ngủ từ 8-9 tiếng hoặc ngủ trên 9 tiếng.
Ngoài ra, thời gian làm việc kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng thừa cân béo phì. Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Hồng Kong với sự tham gia của 4700 người (49% nam giới và 51% nữ giới), số giờ làm việc tăng lên và số giờ ngủ ít hơn có liên quan đáng kể đến việc tăng chỉ số BMI. Những người làm việc hơn 9 tiếng mỗi ngày có chỉ số BMI và vòng eo cao hơn những người khác.
Bộ Y tế đã chỉ rõ các nhóm nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22.10.2022, bao gồm: nguyên nhân về dinh dưỡng, nguyên nhân di truyền, nguyên nhân nội tiết, nguyên nhân mô bệnh học, nguyên nhân do sử dụng thuốc, nguyên nhân khác (lối sống lười vận động, các nguyên nhân liên quan đến hút thuốc).
Yếu tố di truyền: Béo phì có yếu tố gia đình: 69% người béo phì có cha hoặc mẹ béo phì, 18% có cả hai
Kết quả này, cũng tương đồng với những khảo sát thực tế của Viện Dinh dưỡng và Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật thực phẩm Việt Nam.
Trẻ em thành thị tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn trẻ em khu vực nông thôn
Báo cáo của Viện Dinh dưỡng cho thấy, ngoài số liệu về tiêu thụ thực phẩm có đường và nước ngọt đã nêu trên thì chế độ ăn ở lứa tuổi học đường có sự không cân đối về nhiều thành phần, không chỉ riêng việc sử dụng đồ uống có đường.
Cả nhóm thừa cân béo phì và nhóm không thừa cân béo phì cũng đều tiêu thụ mức độ thường xuyên thực phẩm giàu chất đạm, chất béo, tinh bột, sữa và các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm có đường khác, trong khi chưa đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về các nhóm vitamin cần thiết.
Đáng lưu ý, Báo cáo của Viện Dinh dưỡng chỉ ra rằng, hoạt động thể lực kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới béo phì ở lứa tuổi học đường tại Việt Nam.
Theo đó, trẻ em khu vực thành thị nơi có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn thì có hoạt động thể lực ít hơn trẻ em khu vực nông thôn. Khảo sát cho thấy học sinh tiểu học hoạt động thể lực ở nông thôn có hoạt động thể lực ở mức trung bình, mức nhiều và mức cao (54,0%, 26,9% và 4,4%) cao hơn vùng thành thị (52,2%, 15,3% và 1,7%), hoạt động thể lực mức thấp ở thành thị cao hơn ở nông thôn (30,8% và 14,8%).
Tương tự ở học sinh THCS hoạt động thể lực mức trung bình, mức nhiều và mức cao ở nông thôn (58,9%, 15,9% và 1,2%) chiếm tỷ lệ cao hơn vùng thành thị (47,8%, 9,1% và 0%). Ngược lại, hoạt động thể lực mức thấp vùng thành thị lại cao hơn vùng nông thôn (43,1% và 24,0%).
Báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy, thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thừa cân béo phì ở học sinh THCS lên 1,154 lần.
Kết quả phân tích đơn biến cho thấy tuổi, giới, khu vực, kinh tế xã hội, và trình độ văn hóa của bố mẹ, tình trạng kinh tế xã hội cũng liên quan tới tình trạng thừa cân béo phì.