Sức khỏe - vốn quý nhất của người dân và toàn xã hội
Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu ra nhiều giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.
Khỏe cả về thể chất và tinh thần
Mới đây, trong Tọa đàm trực tuyến ngành y tế chủ động thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW Khóa XII, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ ra nhiều điểm mới với công tác chăm sóc, bảo đảm sức khỏe người dân. Theo đó, người dân phải được sống khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Có nghĩa, ngành y tế phải quan tâm đến hai dịch vụ chính là, tư vấn sức khỏe khi người dân đang khỏe mạnh và khám, chữa bệnh khi người dân đau ốm.
Khi đang khỏe mạnh, người dân phải được tiếp cận với các dịch vụ, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, từ vấn đề ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục, thể thao, ăn sạch, ở sạch đến quản lý áp lực trong cuộc sống… Thực hiện phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Giúp người dân có thói quen sống lành mạnh, tránh xa thói quen, lối sống ảnh hưởng đến sức khỏe như hút thuốc lá, rượu, bia. Tạo mọi điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ sàng lọc, khám và phát hiện sớm tại các tuyến y tế cơ sở, trạm y tế xã, huyện và phòng khám theo nguyên lý y học gia đình với xu hướng gần dân nhất. Người dân được theo dõi toàn diện và được quản lý hồ sơ sức khỏe.
![]() | |
Nguồn: tuyengiao.vn |
Khi người dân bị bệnh, phải phấn đấu không để xảy ra tình trạng, không có tiền thì không được chữa bệnh bằng cách tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Cụ thể, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, diện chính sách được mua thẻ BHYT và được chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Với mục đích này, đòi hỏi ngành y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đặc biệt là phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh bằng hiệu quả khám, chữa bệnh: Thời gian nằm viện ngắn nhất, ít tốn kém nhất, phải khỏi bệnh và giảm tử vong. Người dân cũng phải hài lòng về thái độ, cung cách phục vụ của ngành y tế.
Muốn phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe khi người dân chưa bị bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì phải thực hiện đổi mới về cơ chế tài chính, đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, đổi mới về cơ chế tài chính tức là phải đưa dịch vụ chăm sóc y tế thành dịch vụ công, tiến tới tính đúng, tính đủ và bảo đảm sự hài lòng của bệnh nhân. Nhà nước hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT, chứ không cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh. Tạo điều kiện cho các bảo hiểm thương mại tham gia, nhằm đa dạng sự lựa chọn của người dân, bổ sung nhu cầu khám, chữa bệnh của người có điều kiện kinh tế. Khuyến khích tư nhân phát triển dịch vụ. Xét về mặt nhân lực, phải khuyến khích đào tạo y, bác sĩ theo chuẩn quốc tế, có khả năng thực hiện các kỹ thuật cao về khám, chữa bệnh. Y, bác sĩ vừa giỏi chuyên môn, vừa có đạo đức nghề nghiệp. Đó là những điểm chính trong triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương Sáu, Khóa XII của ngành y tế.
Mỗi người dân tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe
Đương nhiên, vai trò nòng cốt trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là nhiệm vụ của ngành y tế. Nhưng Nghị quyết của Trung ương lần này cũng chỉ trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế Nguyễn Đình Anh cho biết, Quốc hội, Chính phủ rà soát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi Nghị quyết từ Trung ương đến cơ sở. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng và đưa các chỉ tiêu về y tế được nêu tại Nghị quyết vào các kế hoạch, chương trình hành động, chiến lược, đề án phát triển KT - XH để thực hiện. Các chi bộ cần đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thành một trong những nội dung sinh hoạt định kỳ. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương; gắn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với các nhiệm vụ phát triển KT - XH, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục các tầng lớp xã hội, đến cộng đồng dân cư, đến từng gia đình và người dân. Các cơ quan báo chí cần phát huy thế mạnh của các loại hình nhằm tuyên truyền và đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Thông tin báo chí cũng góp phần xây dựng và điều chỉnh Nghị quyết phù hợp tình hình và điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống từ thông tin báo chí, các cơ quan lãnh đạo, quản lý đã xây dựng chủ trương, chính sách mới để giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, trước tiên cần nắm chắc nội dung của Nghị quyết, nâng cao nhận thức, thống nhất về ý chí và hành động. Với Nghị quyết liên quan đến sức khỏe của nhân dân, thì bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là ngành y tế, thì vai trò của từng người dân có ý nghĩa quan trọng. Hơn ai hết, người dân phải tự ý thức rõ ràng nhất về tầm mức của việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Được vậy, tin rằng, việc thực hiện Nghị quyết sẽ tạo được những chuyển biến rõ rệt trong đời sống xã hội ở lĩnh vực vốn được ví như “vốn quý nhất của con người”.