Sức khỏe

Sức khỏe tuần qua: Cảnh báo dịch COVID-19 và chiến đấu không khoan nhượng với thuốc giả, thực phẩm giả

Xuân Quý (Tổng hợp) 25/05/2025 12:53

TP.Hồ Chí Minh lần đầu phát hiện biến chủng mới của COVID-19; Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống thuốc, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả,… là những sự kiện nổi bật của y tế tuần qua.

TP.Hồ Chí Minh lần đầu phát hiện biến chủng mới của COVID-19

Ngày 24/5, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh thông tin, ghi nhận 83% mẫu giải trình tự gien ở một số bệnh nhân Covid-19 dương tính với biến chủng mới NB.1.8.1. Đây là một biến thể lần đầu xuất hiện vào đầu năm 2025 và đã có mặt tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại TP.Hồ Chí Minh, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có dấu hiệu gia tăng số ca COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ tuần thứ 16 đến tuần 20 (từ 14/4 đến 18/5). Tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay, TP.Hồ Chí Minh đã có 79 ca bệnh COVID-19, trong đó có 43 ca điều trị nội trú và 36 ca điều trị ngoại trú, không có trường hợp bệnh nặng cần phải hỗ trợ hô hấp.

screenshot_20250524_220327_docs.jpg
Sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh COVID-19 tại Thành phố trong những tuần gần đây, tương tự như ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Đây là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến chủng mới.

Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mức độ lây lan hoặc gây bệnh nặng của biến chủng NB.1.8.1. Đặc biệt, NB.1.8.1 vẫn chưa được WHO xếp vào một trong ba nhóm biến chủng VUM, VOI hay VOC của tổ chức này.

Sở Y tế khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng nhưng cũng không chủ quan trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng.

Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện chuẩn bị khu cách ly COVID-19

Để chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch COVID-19, bảo đảm thực hiện tốt việc khám, phát hiện, thu dung, điều trị người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành khẩn trương rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.

Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Cùng đó tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi,…), khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…

Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế

Sáng 23.5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm kiểm điểm tiến độ thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các giải pháp cấp bách trong tháng cao điểm đấu tranh phòng chống hàng giả là sữa, thực phẩm chức năng và thuốc.

f34c279efb7a4e24176b.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: YT

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế xác định thực phẩm chức năng, thuốc và các sản phẩm thuộc lĩnh vực do ngành y tế quản lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ đã và đang tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Về công tác chỉ đạo triển khai, Bộ Y tế khẳng định quan điểm kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc bao che cho các hoạt động sai phạm.

Từ năm 2020 đến tháng 5.2025, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại trên 400 cơ sở thực phẩm, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 23,76 tỷ đồng. Năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng.

Bộ Y tế cũng đẩy mạnh phối hợp liên ngành, ký Quy chế phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu và xử lý các vụ án liên quan đến thuốc giả. Bên cạnh đó, nhiều hội nghị liên bộ với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh thành phố đã được tổ chức để thống nhất phương hướng và giải pháp hành động.

Lực lượng chức năng khám và thu giữ các loại tân dược giả trong vụ án. Ảnh: Công an Hà Nội
Lực lượng chức năng khám và thu giữ các loại tân dược giả trong vụ án. Ảnh: Công an Hà Nội

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cảnh báo người dân về thực phẩm giả, thuốc giả cũng được tăng cường. Thông tin về các sản phẩm bị thu hồi, cơ sở vi phạm, cảnh báo thuốc giả và quảng cáo sai sự thật đều được công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, đồng thời phối hợp với báo chí để lan tỏa thông điệp tới cộng đồng.

Trong đó, thành lập các tổ kiểm tra đột xuất trong tháng cao điểm. Với tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng đã được thành lập để chỉ đạo triển khai đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với sự tham gia của Lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ.

Đặc biệt, trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, các Cục chuyên môn của Bộ đã đồng loạt thành lập các tổ kiểm tra đột xuất để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế trên toàn quốc.

Hàng giả ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng

Thực trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến ngày càng phức tạp, điều này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng. Báo Đại biểu nhân dân đã có bài phỏng vấn các đại biểu quốc hội chuyên sâu xoay quanh vấn đề này trong bài viết: “Chống hàng giả, thực phẩm giả: Cuộc đấu tranh của toàn xã hội”.

Trả lời phỏng vấn, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến tài chính, niềm tin của người tiêu dùng mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm cho con người.

“Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, làm mất uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả”, đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Hữu Trí – đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Cổng TTĐTQH

Chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng hàng giả, thực phẩm giả tràn lan trên thị trường, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa cho rằng sự bất cập, buông lỏng của cơ chế quản lý, trong đó không loại trừ sự tiếp tay, bao che của các lực lượng chức năng, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe trước lợi nhuận béo bở là những yếu tố khiến tình trạng này kéo dài.

Nhận định cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là trách nhiệm của toàn xã hội, theo đại biểu Lê Hữu Trí cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Trần Khánh Thu – đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Cổng TTĐTQH

Trước những băn khoăn liên quan đến vấn đề chỉ tiêu chất lượng không được đưa ra để quản lý thực phẩm, đại biểu Trần Khánh Thu – đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng các chỉ tiêu chất lượng thường liên quan đến giá trị kinh tế, cạnh tranh thị trường hơn là an ninh sức khỏe.

Nếu thực hiện kiểm soát toàn bộ tất cả các chỉ tiêu sẽ tốn kém, đẩy giá thành lên cao và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu, doanh nghiệp có nguy cơ đình trệ lưu thông hàng hóa vì thiếu nguồn lực.

Tuy nhiên để không tạo kẽ hở cho hành vi gian lận, đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh cần bổ sung các biện pháp hậu kiểm định kỳ hoặc chuyên đề về chỉ tiêu chất lượng, nhất là với nhóm sản phẩm dễ gian lận hoặc ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Cơ quan quản lý hoặc bên thứ ba sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm tính đúng đắn của chỉ tiêu chất lượng đã công bố.

Bên cạnh đó, có thể tính toán tăng chế tài đối với hành vi công bố, ghi nhãn không đúng tiêu chuẩn chất lượng.

"Nếu doanh nghiệp công bố sai về chất lượng (mạo nhận, ghi hàm lượng sai lệch) sẽ chịu chế tài nghiêm khắc bao gồm phạt tiền, yêu cầu đính chính, công khai vi phạm, tạm dừng lưu hành sản phẩm”, đại biểu Thu đề xuất.

Phát hiện nhiều thực phẩm chức năng gây hậu quả sức khỏe

Ngày 22/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Hà Nội thông tin, phát hiện hơn 11.000 hộp thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can sản xuất được "thổi phồng" công dụng, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Lực lượng chức năng xác định Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can đã vi phạm nhiều quy định như: Không thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi sau công bố đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật; Hàng hoá có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định; Ghi nhãn sản phẩm với thông tin sai lệch, không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa – cụ thể là mô tả công dụng sản phẩm theo hướng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về tính năng, tác dụng điều trị hoặc chữa bệnh của thực phẩm.

Đáng chú ý, các sản phẩm của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can được quảng cáo, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội (website, tiktok, shopee...) với những thông tin sai lệch khiến người tiêu dùng hiểu lầm thực phẩm là thuốc chữa bệnh, từ đó đặt niềm tin sai lệch, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời làm sai lệch môi trường kinh doanh lành mạnh.

Hiện cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can theo quy định của pháp luật.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 11.430 hộp thực phẩm các loại. Ảnh: Công an TP. Hà Nội
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 11.430 hộp thực phẩm các loại. Ảnh: Công an TP. Hà Nội

Cùng ngày, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu truy tìm nguồn gốc thuốc giả NEXIUM® 40mg điều trị dạ dày do mẫu thuốc không có thông tin về số giấy đăng ký lưu hành và số giấy phép nhập khẩu, không có thông tin cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu.

Mẫu thuốc được lấy tại Nhà thuốc Đức Anh trực thuộc Công ty TNHH Dược phẩm thiết bị y tế Đức Anh (ở số 8 đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội). Với kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định lượng chất Esomeprazole (chỉ chiếm 17,27% hàm lượng ghi trên nhãn).

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương báo cáo Ban chỉ đạo 389 và phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 địa phương và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra Nhà thuốc Đức Anh trực thuộc Công ty TNHH Dược phẩm thiết bị y tế Đức Anh; truy tìm nguồn gốc lô sản phẩm có thông tin ghi trên nhãn: NEXIUM® 40mg Enterik Kapli Pellet Tablet (Esomeprazol), không có thông tin về số giấy đăng ký lưu hành và số giấy phép nhập khẩu, không có thông tin cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu trên nhãn; xử lý nghiêm cơ sở vi phạm; báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý về Cục Quản lý Dược trước ngày 27/5.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sức khỏe tuần qua: Cảnh báo dịch COVID-19 và chiến đấu không khoan nhượng với thuốc giả, thực phẩm giả
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO