Sức khỏe sinh sản người cao tuổi có phải chuyện "tế nhị"?
(ĐBNDO) -“Chính mỗi người dân phải là những người hiểu biết một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất. Phải làm sao một người được sinh ra từ trẻ đến già lúc nào cũng được quan tâm chăm sóc sức khoẻ nói chung và trong đó cả chăm sóc sức khoẻ sinh sản.” Đây là chia sẻ của Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, ĐBQH Nguyễn Thị Khá với PV Báo Điện tử ĐBND về vai trò quan trọng của chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người cao tuổi.
Bà đánh giá thế nào về công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản người cao tuổi của nước ta hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Trước hết, chăm sóc sức khoẻ sinh sản phải được hiểu một cách toàn diện và bao quát hơn, nó không chỉ liên quan đến bà mẹ và trẻ em, mà còn liên quan đến trẻ em vị thành niên, thanh niên, người cao tuổi, liên quan đến giới tính, có nghĩa là không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông. Đối với người cao tuổi, kể cả phụ nữ và đàn ông, đến độ tuổi mãn dục cần phải được chăm sóc sức khoẻ đặc biệt hơn, vì tâm sinh lý cũng thay đổi, nguy cơ mắc bệnh liên quan đến ung thư, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan khác cũng cao hơn.
Về công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản người cao tuổi ở Việt Nam, tôi cho rằng còn rất nhiều hạn chế. Người Việt Nam vẫn nghĩ đó là việc tế nhị, là việc cá nhân của mỗi người nên không quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khoẻ nói chung và trong đó có chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Tôi nghĩ việc Luật Người cao tuổi có quy định người cao tuổi phải được chăm sóc sức khoẻ tại cơ sở y tế gần nhất, hoặc khám định kỳ những bệnh không lây nhiễm ví dụ như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, kể cả vấn đề liên quan đến mãn dục hoặc những thay đổi tâm sinh lý của người cao tuổi là một điều rất đúng đắn. Bởi khi tới một lứa tuổi nhất định, người ta thường có thay đổi đặc biệt gọi là mãn dục, tâm lý thay đổi, con người cũng thay đổi, đặc biệt là tính khí. Cho nên nếu không được tư vấn, chăm sóc tốt thì có thể gây xáo trộn gia đình hoặc hiểu nhầm lẫn nhau…
![]() Ảnh: Duy Thông |
Theo bà đâu là nguyên nhân của sự hạn chế này?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Luật thì đã quy định rất rõ, nhưng theo tôi nguồn lực đầu tư cho công tác này còn hạn chế. Thứ hai là nhận thức của người dân, họ chưa thực sự quan tâm đến chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chính bản thân mình.
Thứ ba là do công tác tuyên truyền. Bản thân người cao tuổi cũng chưa hiểu hết những điều mình cần làm để chăm sóc sức khỏe cho mình, có nhiều khi họ muốn tư vấn cũng không biết đi đâu, hỏi ai có thể tin tưởng để bộc bạch hết những tâm sự, những câu chuyện tế nhị của mình.
Như vậy tuyên truyền có phải là phương pháp tốt nhất hiện này nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người cao tuổi?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Để khắc phục những hạn chế của ta hiện nay, tôi nghĩ phải có một quá trình, phải tuyên truyền, giải thích vận động cho rõ, không chỉ riêng người cao tuổi mà các cơ quan chuyên môn cũng phải hiểu. Đặc biệt, phải tạo môi trường thân thiện, để làm sao người bệnh nói chung và người cần được chăm sóc người ta thấy cán bộ y tế với mình không có khoảng cách, người ta không e ngại thì mới bày tỏ được. Nếu người ta bày tỏ được thì cán bộ ngành y tế mới tư vấn được cần sinh hoạt như thế nào, cần khám định kỳ ra sao và cần uống bổ sung chất gì…
Một điều nữa là phải có nguồn lực, phải có cán bộ. Chứ tôi thấy các trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản hiện nay người ta chưa làm hết chức năng, nguồn lực có hạn là một phần nhưng nhận thức cán bộ y tế cũng rất đơn giản…
Bà có cho rằng những quy định trong Luật Người cao tuổi về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người cao tuổi như hiện nay là đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Luật Người cao tuổi không nói sâu lắm về sức khỏe sinh sản, chỉ nói chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi nói chung. Lứa tuổi quy định là từ 60 tuổi là người cao tuổi, nhưng phụ nữ hiện nay 55 tuổi là nghỉ hưu rồi, như vậy từ 55 đến 60 thì giai đoạn này do ai quản lý ? Đặc biệt tuổi này là giai đoạn thay đổi rất nhiều đối với một người phụ nữ, thay đổi về tâm sinh lý, về cơ thể nói chung.
Với lứa tuổi từ 55 – 60 chưa có một luật nào quy định về chăm sóc sức khoẻ sinh sản thì theo bà cần phải có giải pháp gì chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho đối tượng này?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: Theo tôi, các cơ quan chuyên môn cần giúp Chính phủ rà soát lại các luật, xem còn thiếu gì thì bổ sung quy định riêng, để làm sao thấy rõ được trách nhiệm của chính quyền các cấp cũng như chính quyền địa phương cũng như Ngành Y tế. Và hơn hết thấy được trách nhiệm của mỗi người dân, chính họ là những người phải hiểu biết một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất, để làm sao một người được sinh ra từ trẻ đến già lúc nào cũng được quan tâm chăm sóc sức khoẻ nói chung và trong đó cả chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
Xin cảm ơn bà!