Sức hấp dẫn vượt trội
Thể chế nào nhà đầu tư đó - GS.TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhiều lần nhắc đến điều này trong cuộc trò chuyện về đặc khu kinh tế.
Từ lâu nhiều quốc gia đã theo đuổi mô hình đặc khu kinh tế, đặc biệt là những nước đang phát triển. Cho đến năm 2015, đã có khoảng 4.500 khu kinh tế tại 140 quốc gia. Tính ra, cứ trung bình 4 quốc gia thì có 3 xây dựng các khu kinh tế. Nhiều quốc gia xem đặc khu kinh tế như là “phòng thí nghiệm chính sách”, giúp thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.
Sự phát triển của các khu kinh tế góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu và tạo việc làm. Nhưng tất nhiên không phải đặc khu nào cũng trở thành một Thâm Quyến mới - trường hợp thành công tiêu biểu. “Đặc khu kinh tế trên thế giới thì nhiều nhưng tỷ lệ thất bại cũng chiếm rất lớn”, GS.TS. Võ Đại Lược nói.
Dù thế giới đã có vô số đặc khu kinh tế thất bại, GS.TS. Võ Đại Lược tin rằng, nếu ta làm tốt, Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn có khả năng cạnh tranh. Vấn đề quan trọng cần bàn, theo ông, chính là việc xây dựng thể chế, chính sách vượt trội cho các đặc khu kinh tế để tạo được sự đột phá. “Ta đi sau, thể chế cho nó phải hiện đại nhất, tiên tiến nhất so với thế giới, chứ không phải so ta với ta, mới cạnh tranh được”.
Hàng năm, đầu tư quốc tế chỉ có một lượng hữu hạn. Và từ lâu, các nước trên thế giới đã tạo các ra mô hình khác nhau để cạnh tranh thu hút nguồn lực này. Cuộc cạnh tranh này cho đến nay vẫn hết sức khốc liệt. Như Trung Quốc, dù thành công như vậy nhưng liên tục tạo ra các mô hình mới, đưa ra những thể chế mới hấp dẫn hơn, tự do hơn để thu hút đầu tư. Có thể nói, đặc khu kinh tế thực chất là một cuộc chơi mới với những thể chế mới mà chúng ta chủ động tạo ra để cạnh tranh với quốc tế.
Lợi thế của chúng ta - người đi sau trong xây dựng các đặc khu kinh tế - là có được kinh nghiệm (cả thành công và thất bại) của người đi trước để thiết kế thể chế vượt trội, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư “hạng nhất” đến với Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong. Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có lần nói, chúng ta có rất nhiều quyền, quyền cho cái này, cái kia… còn nhà đầu tư chỉ có một quyền, đó là quyền... không đầu tư. Nếu chúng ta không thiết kế được thể chế và chính sách vừa tương đồng với nhà đầu tư vừa nhất quán, không tạo được môi trường làm ăn thuận lợi, thì họ sẽ đi chỗ khác. Tờ Economist viết rằng, các nhà đầu tư đã rút ra khỏi 61 trong số 139 đặc khu đã được phê duyệt ở bang Maharashtra, Ấn Độ chỉ vì các chính sách thay đổi thất thường, thủ tục rắc rối phiền hà.
Bởi vậy khi xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, điều quan trọng là các nhà lập pháp cần đặt mình ở góc độ của người thực thi. Ngoài một số vấn đề cốt lõi phải giữ bằng được là sự lãnh đạo của Đảng, chủ quyền quốc gia, quốc phòng an ninh, văn hóa, môi trường… thì những cơ chế, chính sách khác nhất định phải hướng đến những điều mà nhà đầu tư cần.