Sức bật nghề gốm Bát Tràng
Nằm bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, làng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến là trung tâm sản xuất, kinh doanh gốm sứ nổi tiếng, đồng thời là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch. Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận các sản phẩm gốm của hai cơ sở sản xuất tại xã Bát Tràng là sản phẩm OCOP 4 sao, sắp tới xét duyệt các tiêu chí, định hướng, nâng cấp lên 5 sao.
Đam mê, gắn bó và hưởng lợi từ nghề gốm
Làng nghề gốm Bát Tràng có lịch sử hình thành đã hơn 1.000 năm tuổi, đây được xem là một trong 4 nghề tinh hoa của Thăng Long xưa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề gốm có lúc suy lúc thịnh, song các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn chuyên tâm gắn bó, đau đáu việc gìn giữ nghiệp tổ của cha ông. Chính vì vậy, những lò nung truyền thống hay hiện đại vẫn ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm hồn gốm Bát Tràng.
Trò chuyện với phóng viên, Phó ban đại diện làng gốm Bát Tràng Hà Văn Lâm cho biết: Bát Tràng có 8.500 khẩu nhưng đã có hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi. Nghề gốm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương với thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm. Theo thống kê của UBND xã Bát Tràng, doanh thu từ nghề gốm mỗi năm lên đến 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng đó là con số chưa đầy đủ bởi chỉ tập hợp các doanh nghiệp, các hộ có đăng ký kinh doanh còn các lò nhỏ lẻ chưa thống kê được hết. Chưa kể, đó chỉ là giá trị trực tiếp của nghề gốm, còn các dịch vụ đi kèm cũng khó đo đếm. Bởi vậy, ở Bát Tràng hiện nay đời sống người dân ngày càng sung túc, hiện đại, đặc biệt số tỷ phú nghề gốm ngày càng gia tăng.
Ở Bát Tràng, bên cạnh phát triển sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi với bàn tay khéo léo cùng niềm đam mê mãnh liệt đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm sứ độc đáo. Họ cũng đã phục chế thành công nhiều tác phẩm gốm sứ cổ như: Gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Nguyễn… khôi phục và chế tác nhiều công thức men đặc sắc. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật công nghệ mà các sản phẩm gốm Bát Tràng liên tục được cải tiến mẫu mã, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và phục vụ tín ngưỡng của khách hàng trong nước và quốc tế. Vừa qua, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và HTX Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đối với người Bát Tràng, đây là vinh dự, cũng là động lực để nghề gốm ngày càng phát triển hơn nữa.
Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh chia sẻ: Công ty đã có hơn 30 năm làm nghề, 90% thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, gốm Quang Vinh đang được bán tại 20 quốc gia trên thế giới và vào các thị trường khó tính như: Bắc Âu, Tây Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản và các nước khác. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Công ty đã cho ra mắt hàng nghìn sản phẩm độc đáo, tinh xảo. Nhiều khách hàng khi vừa nhìn thấy những tác phẩm gốm độc đáo, tài hoa của Quang Vinh đã không đắn đo suy nghĩ mua ngay.
Bà Vinh khẳng định: “Quang Vinh nhận thức rất rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của việc quảng bá rộng rãi thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Công ty cũng đã phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Hà Nội đầu tư xây dựng Trung tâm xúc tiến thương mại sản phẩm nhằm hỗ trợ cho các làng nghề, doanh nghiệp đạt sao và khuyến khích cho những nghệ nhân làm nghề có cơ hội xúc tiến thương mại, phát triển thị trường”.
Ngoài Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, làng gốm Bát Tràng còn có thêm HTX Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh vinh dự được UBND thành phố Hà Nội công nhận các sản phẩm gốm là sản phẩm OCOP 4 sao, sắp tới xét duyệt các tiêu chí, định hướng, nâng cấp lên 5 sao. HTX Tân Thịnh chuyên sản xuất đồ gốm mang tính chất nội thất, trang trí. Sản phẩm gốm sứ Tân Thịnh có phong cách đương đại, ẩn chứa trong từng món đồ là những câu chuyện, hồn sắc thiên nhiên, có tình yêu và đa dạng tâm trạng con người với những ý đồ rất phong phú nhưng vẫn tạo được nét đặc trưng riêng. Giám đốc HTX Trần Đức Tân cho biết: Hiện nay, các sản phẩm của Tân Thịnh được bày bán trong nước, cung cấp sản phẩm đồ gốm nội thất cho các nhà chung cư, khách sạn, resort. Ngoài ra, còn cung cấp cho nhiều thị trường châu Âu và châu Á. Hiện, doanh thu của cơ sở đạt từ 7 - 8 tỷ đồng năm.

Các chủ thể ở Làng nghề Bát Tràng luôn tích cực tham gia Chương trình OCOP, không ngừng nỗ lực để sản phẩm gốm sứ Bát Tràng sẵn sàng “vươn mình” ra thế giới |
Ảnh: Tường Vy
Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh
“Trong đợt bình xét cho Chương trình OCOP năm 2019, Hà Nội có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao thì riêng Bát Tràng đã có 5 sản phẩm. Những sản phẩm của Bát Tràng tham gia vào OCOP đều đã xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Nhật, châu Âu, Mỹ, Úc, do bàn tay, trí óc, tâm hồn của những nghệ dân giỏi nhất sáng tạo nên. Danh hiệu OCOP chính là thước đo chất lượng sản phẩm, để từ đó người dân cũng như du khách trong và ngoài nước có nhìn nhận và đánh giá về sản phẩm của Bát Tràng cụ thể, thiết thực hơn, giá trị của sản phẩm sẽ được nâng lên. OCOP không chỉ góp phần đạt mục tiêu đưa Bát Tràng thành làng nghề kiểu mẫu mà còn góp phần giúp làng nghề có thêm doanh thu từ du lịch”.
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí
Không thể phủ nhận, nghề gốm và các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng hiện đã nổi tiếng trên khắp đất nước, được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, theo Phó ban đại diện làng gốm Bát Tràng Hà Văn Lâm, sản xuất, kinh doanh ở làng nghề đến nay vẫn nhỏ lẻ, mang nặng cảm tính của từng hộ, từng đơn vị. Do đó, việc tham gia Chương trình OCOP với những bộ tiêu chí khắt khe đã giúp các hộ kinh doanh định hướng được những bước đi tiếp theo, từng bước hoàn thiện sản phẩm để nắm bắt thị trường tốt hơn, khẳng định thương hiệu gốm Bát Tràng. Hơn nữa, OCOP còn góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích thế hệ trẻ đam mê, kế tục, giữ gìn phát triển nghề truyền thống”.
Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cũng cho rằng: “OCOP sẽ là nền tảng khuyến khích các cơ sở sản xuất ở Bát Tràng đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn rộng đến thị trường quốc tế. Từ đó, Bát Tràng sẽ trở thành trung tâm giao lưu giữa Hà Nội với cả nước trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Giúp thu hút du khách tìm đến tham quan, du lịch. Đó sẽ là cơ hội cho chúng ta quảng bá hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam qua ngành thủ công mỹ nghệ”.
Nhóm sản phẩm OCOP 4 sao của Bát Tràng có tiềm năng đạt chất lượng 5 sao vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Lâm, để đạt được mục tiêu đó hai cơ sở Quang Vinh và Tân Thịnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng, kiểu dáng sản phẩm để ngày càng phù hợp với thị trường, đáp ứng đòi hỏi khắt khe từ tiêu chí của OCOP. Theo đó, các chủ thể khác tại Làng gốm Bát Tràng cũng sẽ tích cực học tập nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá giới thiệu làm rõ xuất xứ thương hiệu, cam kết trách nhiệm của chủ thể sản xuất để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, làng nghề Bát Tràng rất mong nhận được sự quan tâm của thành phố Hà Nội trong việc tạo điều kiện cho mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại làng nghề; có chính sách vay vốn cho các hộ sản xuất kinh doanh để mở rộng sản xuất; đồng thời, tạo điều kiện để người sản xuất được tham gia hội chợ quốc tế, tham quan các làng sản xuất sản phẩm OCOP trong và ngoài nước để có nhiều kinh nghiệm đổi mới cho các làng nghề ở Việt Nam.