Sửa thời điểm căn cứ lựa chọn nhà thầu

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 06:33 - Chia sẻ
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 34 Luật Đấu thầu, căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi là điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Theo quy định này, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài chỉ có thể được phê duyệt sau khi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực.

Vậy nhưng, việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ thường mất tối thiểu từ 4 - 6 tháng đối với gói thầu quốc tế. Bởi, liên quan đến hồ sơ thầu này có rất nhiều hoạt động cần thực hiện như tuyển tư vấn thiết kế, xây dựng hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp, xây dựng kế hoạch đấu thầu, chuẩn bị hồ sơ mời thầu. Đối với các dự án ODA thì thông thường hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu còn phải gửi cho nhà tài trợ để xem xét, cho ý kiến không phản đối trước khi thực hiện nên quá trình này cũng mất nhiều thời gian. Trên thực tế, tùy theo từng dự án cụ thể (như dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh… thời gian lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị hồ sơ mời thầu kéo dài hàng năm).

Các hoạt động này được triển khai sau khi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực dẫn đến thời gian dành cho việc triển khai thi công xây lắp, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị rút ngắn. Chính vì vậy, phần lớn các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện và gia hạn hiệp định để bù đắp khoảng thời gian này. Việc kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do trượt giá, thay đổi tỷ giá và các tác động khác do thay đổi chính sách (lương nhân công…). Ngoài ra, dự án chậm thực hiện cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, đó là chưa kể chi phí cam kết phát sinh mà Việt Nam phải trả.

Khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đã sửa những vướng mắc này theo hướng mở. Cụ thể, Điều 4 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 34 Luật Đấu thầu theo nguyên tắc: “Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Đình Khoa