Không đơn thuần là đổi tên
Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ĐBQH nhất trí việc giữ nguyên quy định hiện hành về Tòa án Nhân dân (TAND) cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Tiếp tục thảo luận nội dung này, ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đề xuất đổi mới của TAND Tối cao “đáng được cân nhắc", vì đây không đơn thuần chỉ là đổi tên TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm mà đổi mới tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đại biểu, việc quy định đổi mới này cũng là một giải pháp để bảo đảm nâng cao nhận thức về tổ chức hoạt động của tòa án trong mối quan hệ với nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Đồng thời khắc phục cách hiểu quan hệ giữa các tòa án là quan hệ hành chính. Hơn nữa, phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND quy định tổ chức bộ máy về chức năng, nhiệm vụ của tòa án; còn thẩm quyền xét xử của Tòa án được quy định trong pháp luật về tố tụng.
Do vậy, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, việc đổi mới theo hướng này sẽ là tiền đề để trên cơ sở đó trong thời gian tới TAND Tối cao tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng theo hướng tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm các loại vụ việc cho TAND sơ thẩm; từng bước hạn chế thẩm quyền xét xử của tòa phúc thẩm với các việc sơ thẩm, theo hướng chỉ giới hạn trong những trường hợp rất đặc biệt. Quy định này cũng tạo điều kiện để phát huy tính chuyên môn hóa trong giải quyết các vụ việc mang tính chất đặc thù như hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ như dự thảo luật đã quy định.
Giải trình về nội dung này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đổi mới tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử là quy định xuyên suốt của Đảng từ trước đến nay, đã được nêu từ Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đến Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.
Chánh án TAND Tối cao cũng nêu rõ, từ khi thành lập tòa án, Bác Hồ cũng đã lập các tòa án phúc thẩm, sơ thẩm và điều này cũng đã được ghi trong Hiến pháp năm 1946. Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cũng không tổ chức tòa án cấp tỉnh, huyện. Đây là thẩm quyền, quyền lực quốc gia nên các quốc gia tổ chức theo thẩm quyền xét xử.
Mặt khác, dự thảo luật đã thể hiện theo hướng đổi tên và cả thẩm quyền theo đúng thẩm quyền xét xử của TAND sơ thẩm, phúc thẩm. Việc đổi thẩm quyền cũng sẽ được thể hiện nhiều hơn nữa khi sửa đổi các luật về tố tụng và các phân cấp của tòa án.
Chánh án TAND Tối cao nêu rõ, điều quan trọng nhất là bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. "Nếu hiện nay chúng ta không làm thì trong tương lai cũng phải làm vì đây là xu hướng thế giới. Do vậy, TAND Tối cao tiếp tục đề nghị trình nội dung này tại dự thảo luật ra Quốc hội trong Kỳ họp thứ Bảy tới theo 2 phương án”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Nên thi nâng ngạch bậc để nâng cao vai trò, trách nhiệm, trình độ của thẩm phán
Về ngạch, bậc thẩm phán (Điều 88 và Điều 90), dự thảo luật quy định, thẩm phán có 2 ngạch (ngạch Thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán); bậc Thẩm phán (Thẩm phán TAND Tối cao có 2 bậc; Thẩm phán có 9 bậc). Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, quy định theo hướng này là cơ bản phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách đối với thẩm phán; nâng cao niềm tin của người dân đối với thẩm phán; khuyến khích thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác.
Đồng tình với quy định trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, Nhà nước đang thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương); bên cạnh đó Nghị quyết 27 yêu cầu “tăng cường phân cấp, phân quyền”. Do vậy, theo đại biểu, cần quy định theo hướng: giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bậc thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện từng bậc.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, TAND Tối cao đề xuất quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện từng bậc, xét nâng bậc thẩm phán theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao…” (Điều 90). Cơ bản tán thành đề xuất này, song đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không nên quy định về “xét nâng bậc thẩm phán…” tại dự thảo luật. Bởi, luật hiện hành và các luật tổ chức của các cơ quan tư pháp khác đều quy định thi nâng ngạch các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên,…; pháp luật về cán bộ, công chức cũng quy định việc nâng ngạch công chức chủ yếu thông qua thi tuyển (chỉ xét trong một số trường hợp luật định). Do đó, đại biểu đề nghị, cần quy định về thi nâng ngạch bậc thẩm phán để giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm, cũng như trình độ, nhận thức của thẩm phán; việc thi nâng bậc sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định sau khi luật này được Quốc hội thông qua.