Sửa tận gốc

Hà Lan 08/05/2010 00:00

Nhiều chuyên gia tài chính nói rằng, việc bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản lẽ ra không gây nhiều tranh luận như trong thời gian dài vừa qua nếu khái niệm lãi suất cơ bản được làm rõ.

02-sua-tan-12810-300.jpg

Tưởng vậy mà không phải vậy

Được nhắc đến trong Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1998 nhưng đến tháng 5.2000, lãi suất cơ bản mới lần đầu tiên được công bố nhằm thay thế cơ chế lãi suất trần cho vay trước đó. Ở thời điểm này, lãi suất cơ bản được đánh giá là một bước tiến, hướng tới tự do hóa lãi suất ở Việt Nam. 

Các ngân hàng trung ương nước ngoài cũng có công cụ điều hành chính sách tiền tệ chính thức như Fed Fund Rate của Mỹ, London Interbank Offered Rate (LIBOR) của Anh, Tokyo Interbank Offered Rate (TIBOR) của Nhật Bản, Euro Interbank Offered Rate của Liên minh châu Âu... Các lãi suất trên đôi khi cũng được dịch sang tiếng Việt là lãi suất cơ bản.

Không biết có phải vì vậy mà nhiều người nghĩ rằng, lãi suất cơ bản của Việt Nam cũng giống như các loại lãi suất chính thức kể trên. Thực tế, không phải như vậy.

Lãi suất cơ bản mà chúng ta đang bàn (Prime Rate) theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước 1998 là “lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”. Hiểu một cách đơn giản, đây là lãi suất tốt nhất do ngân hàng tốt nhất cho khách hàng vay. Với khách hàng bình thường hay ngân hàng bình thường, lãi suất cho vay thường bằng lãi suất cơ bản cộng thêm một vài điểm phần trăm.

Đây không phải là lãi suất cơ bản chúng ta thường nghe nhắc đến mỗi khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất (Fed Fund Rate). Fed Fund Rate- lãi suất quỹ liên bang- theo cách dùng của Fed là lãi suất cho vay ngắn hạn giữa các ngân hàng với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ và thanh khoản.

Ngoài ra, Fed có một công cụ gần giống với lãi suất cơ bản của Việt Nam, đó là Fed Fund Target Rate, có thể hiểu là “lãi suất cơ bản mục tiêu”. Loại lãi suất này do Fed ấn định. Nhưng điều khác biệt cơ bản là: trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt buộc thị trường phải áp dụng lãi suất cơ bản trong biên độ cộng trừ nhất định thì Fed can thiệp thông qua thị trường mở (tức là dùng công cụ thị trường để can thiệp).

Nói một cách chung nhất, lãi suất của các nước do ngân hàng trung ương nước họ ấn định là nhằm tác động gián tiếp đến lãi suất thương mại trên thị trường vì ngân hàng trung ương sẽ dựa vào lãi suất này để cho các tổ chức tín dụng vay lại hay chiết khấu các loại giấy tờ có giá. Lãi suất do ngân hàng trung ương đưa ra sẽ tác động trực tiếp lên lãi suất vay vốn giữa ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại, qua đó gián tiếp tác động lên lãi suất thương mại trên thị trường.

Như vậy, lãi suất cơ bản của nước ta khác về bản chất so với các nước khác. Chính thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trong một buổi họp góp ý cho dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi hồi cuối tháng 12 năm ngoái cũng thừa nhận “… lãi suất cơ bản của chúng ta hiện nay là không có thực, vì lãi suất này không có mối quan hệ vay mượn nào giữa ngân hàng trung ương với tổ chức tín dụng”.

Chỉ cần định nghĩa lại

Tại khoản 5 điều 7 dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) trình UBTVQH trong phiên họp ngày 6.5 vừa qua quy định: “Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố bao gồm lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự”. Điều này được hiểu là  sẽ không tồn tại loại lãi suất cơ bản gây bó buộc lãi suất kinh doanh của các ngân hàng thương mại như thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ công bố các loại lãi suất có vai trò định hướng và giúp thực thi chính sách tiền tệ.

Có vẻ như những tranh luận về lãi suất cơ bản lại trở về vạch xuất phát khi mà cũng trong phiên họp này, có ý kiến cho rằng cần phải giữ lại lãi suất cơ bản như một chiếc van an toàn cho thị trường. Tuy nhiên, với những gì xảy ra trong năm 2008- cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng, đẩy mặt bằng lãi suất huy động và cho vay lên đến đỉnh điểm biến lãi suất cơ bản thành một công cụ có cũng như không- người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về sự cần thiết của công cụ này.

Để hóa giải những tranh luận này, theo giới chuyên gia tài chính, đã đến lúc cần làm rõ khái niệm “lãi suất cơ bản”. “Khi nó không có trên thực tế hoặc không có tác dụng trong quản lý thì nên mạnh dạn xóa bỏ hoặc định nghĩa lại. Không nên sửa đổi một cách nửa vời để gây ra những hậu quả khó xử lý về sau”, luật gia Vũ Xuân Tiền nêu ý kiến.

Việc soạn thảo lại các khái niệm cơ bản của các loại lãi suất trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), trong đó có lãi suất cơ bản (được định nghĩa lại như là lãi suất tốt nhất mà ngân hàng cho vay đối với khách hàng và do thị trường quyết định) còn có một ý nghĩa quan trọng khác. Đó là giúp tránh được phải sửa đổi Bộ Luật Dân sự (quy định không cho phép lãi suất thương mại vượt quá 150% lãi suất cơ bản)- một việc không dễ làm được ngay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sửa tận gốc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO