Đại biểu Quốc hội DƯƠNG BÌNH PHÚ (Phú Yên)

Sửa luật theo hướng phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 08:27 - Chia sẻ
Sau hơn 15 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2009 và 2019, đến nay một số quy định của luật không còn phù hợp với các cam kết quốc tế, mâu thuẫn, chồng chéo với một số đạo luật mới ban hành… nên cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Báo điện tử Đại biểu Nhân dân có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội DƯƠNG BÌNH PHÚ, tỉnh Phú Yên về dự luật này.

- Xin ông cho biết quan điểm về việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ?

- Tôi cho rằng, do diễn tiến của cuộc sống và xã hội, do điều kiện hội nhập của đất nước, thời điểm hiện tại hoàn toàn phù hợp để Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Lần sửa đổi, bổ sung này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ (SHTT); bảo đảm phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành. Nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của luật trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của luật hiện hành.

Ngoài ra, việc “tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT” cũng được đặt ra trong nhiệm vụ chung về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nằm trong Chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030.

ĐBQH Dương Bình Phú trình bày chương trình hành động khi ứng cử ĐBQH khóa XV
ĐBQH Dương Bình Phú trình bày chương trình hành động khi ứng cử ĐBQH Khoá XV

Thêm nữa, cần giải quyết các bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong đó, một số nội dung quy định về quyền tác giả, quyền liên quan với tác phẩm nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm... nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm cao của các tổ chức này theo thông lệ quốc tế.

- Trong bối cảnh hiện nay, theo ông việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này cần tập trung vào các nhóm chính sách nào?

- Nội dung sửa đổi lần này cơ bản tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

- Thưa ông, những vấn đề nào trong dự thảo luật còn có nhiều quan điểm khác nhau?

- Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, tôi nhận thấy có hai vấn đề chính còn ý kiến khác nhau cần được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Đó là về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh ý kiến giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành, hiện có luồng ý kiến đề nghị trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước (sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng một phần ngân sách nhà nước) một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.

ĐBQH Dương Bình Phú chủ trì một buổi họp tại Sở Khoa học và công nghệ Phú Yên
ĐBQH Dương Bình Phú chủ trì một buổi họp tại Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên

Thứ hai, về xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Về vấn đề này có 2 loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.

Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT, theo đó không cần sửa đổi quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 211

- Trong dự thảo, Chính phủ đề xuất 2 phương án về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông đánh giá thế nào về 2 phương án này?

- Theo tôi, phương án sửa đổi theo hướng không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh (các hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng này chỉ xử lý bằng biện pháp dân sự). Chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng…. hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của quy định pháp luật và không làm ảnh hưởng đáng kể đến thực tiễn bảo vệ quyền SHTT của các chủ thể có quyền SHTT.

- Xin cám ơn ông!

Nam Anh