Cần thiết sửa luật
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định nhiều nội dung mới mang tính cải cách, đột phá trong quan điểm, tư tưởng quản lý đầu tư công. Trong đó, quan trọng nhất là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu… Qua đó, đã cắt giảm các trình tự, thủ tục và thời gian chấp hành, tạo sự linh hoạt, chủ động của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tuy vậy, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để; một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai…
Tại cuộc họp nhằm thảo luận những định hướng chính sách và quan điểm sửa Luật Đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu thực tế, qua giám sát việc triển khai, giải ngân các dự án đầu tư công, vướng mắc lớn nhất là ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, gần đây là công tác chuẩn bị dự án. Theo ông, một dự án mà chuẩn bị trong thời gian ngắn, chỉ mấy chục ngày hay một vài tháng thì rất khó. Nếu muốn làm dự án tốt, chuẩn bị kỹ thì tiến độ mới nhanh, ông Toàn lưu ý.
Trong bối cảnh đầu tư công ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cũng như góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển đất nước, việc sửa đổi Luật Đầu tư công để khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay là rất cần thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu từ thực tiễn.
Cho phép tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung đặc biệt cho công tác hoàn thiện hồ sơ dự án luật này, cùng với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật).
Một trong những vấn đề trọng tâm trong việc sửa các dự án luật là giúp khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định khi sửa luật sẽ tiếp tục đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; cắt giảm thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, chỉ quy định trách nhiệm của cấp quyết định chủ trương đầu tư trong việc bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thực hiện chương trình, dự án; cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Với việc rút ngắn thời gian, quy trình làm thủ tục đầu tư sẽ góp phần quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Nguyễn Đức Tâm nói.
Đáng chú ý, theo ông Tâm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, thay vì 10.000 tỷ đồng theo Luật Đầu tư công năm 2014. Lý giải điều này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy mô 10.000 tỷ đồng đã không còn phù hợp với thực tế, bởi quy mô GDP năm 2024 đã tăng gấp khoảng 2,1 lần so với năm 2014. Cùng với đó, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, tổng mức đầu tư các dự án thời gian tới có thể tăng do chi phí giải phóng mặt bằng tăng; chưa kể các yếu tố trượt giá. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đề nghị cần cân nhắc bởi sẽ tăng gấp ba lần so với hiện nay. Nên có thống kê số lượng dự án này, ông Toàn đề nghị.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất tạo chương riêng cho ODA khi sửa đổi Luật Đầu tư công. Theo đó, Bộ đề nghị bổ sung quy định về trình tự thủ tục phê duyệt đề xuất dự án, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về thực hiện quy định tại các Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công; đơn giản hóa nội dung phê duyệt đề xuất dự án của Thủ tướng và giảm bớt điều kiện phải điều chỉnh đề xuất dự án (không phải điều chỉnh khi mức vốn nước ngoài tăng dưới 20%). Điều này được cho là sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài.