Sửa đổi Luật Điện lực phải "phúc đáp" được yêu cầu thực tiễn đặt ra

Thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Phú Yên, Hòa Bình, Bến Tre) về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) chiều nay, 26.10, các ĐBQH đề nghị việc sửa đổi cần được thực hiện chắc chắn, kỹ lưỡng và hơn hết phải "phúc đáp" được những yêu cầu từ thực tiễn đặt ra…

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 9 chiều 26.10. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 9 chiều 26.10. Ảnh: Lâm Hiển

Cần có quy định đặc thù, rõ ràng để triển khai

Luật Điện lực năm 2004 qua 4 lần sửa đổi, bổ sung (năm 2012, 2018, 2022, 2023) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng điện. Dù vậy, trong bối cảnh nhu cầu điện năng và công nghệ phát triển không ngừng, qua gần 20 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần được sửa đổi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), qua khảo sát tại địa phương cho thấy: hiện nay, các dự án lưới điện trung, hạ áp có diện tích chiếm đất nhỏ, hơn 90% là cấp điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân và trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, trường học, trạm bơm nước sinh hoạt, bệnh viện…

Thực tế, các dự án này không được quy hoạch chi tiết, việc đầu tư tùy thuộc nhu cầu phụ tải thực tế (quá tải đột biến, các phụ tải tiểu thủ công nghiệp…). Do vậy, thời gian triển khai cần nhanh (thường yêu cầu trong vòng 5 - 6 tháng). Nếu phải thực hiện chủ trương đầu tư như quy định tại Khoản 2, Điều 19 của dự thảo thì sẽ kéo dài dự án đầu tư do phải đáp ứng các điều kiện phải có quy hoạch sử dụng đất 5 năm/lần. Vì vậy, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định này để tạo điều kiện cho các công ty điện lực các tỉnh triển khai thực hiện dự án này bảo đảm nhu cầu sử dụng điện và đáp ứng nhu cầu điện hiện nay.

dang-bich-ngoc-hoa-binh1-7302-4569.jpg
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp (Điều 20, 21, 22) để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng dự án điện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng, tác động nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, bảo đảm tối đa, nhanh chóng nguồn an ninh năng lượng; ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc xây dựng cơ chế bảo đảm cung ứng điện trong các tình huống khẩn cấp là hết sức cần thiết.

Đại biểu lý giải, nếu không có cơ chế đặc thù thì việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục, quy trình sẽ kéo dài thời gian tổ chức thực hiện và ảnh hưởng đến yêu cầu cung cấp điện và phát triển kinh tế - xã hội hiện này, cũng như ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư khi vào đầu tư các địa phương. Do đó, cần có những quy định đặc thù, rõ ràng để triển khai, bảo đảm mục đích và yêu cầu phát triển giai đoạn hiện nay.

Cần luật hoá việc phát triển trạm sạc xe điện

Góp ý vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi), một số đại biểu cũng cho rằng, hiện nay việc phát triển trạm sạc xe điện rất phổ biến, tuy nhiên nội dung này chưa được quy định cụ thể. Do đó, nên xem xét việc luật hóa phát triển trạm sạc xe điện là cấp thiết. Điều này không chỉ bảo vệ lợi ích của người sử dụng mà còn tạo cơ sở pháp lý để quản lý, vận hành và bảo vệ môi trường.

Đối với an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất tại Điều 114, một số đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp điện phải tuân thủ việc bảo đảm cung cấp điện an toàn và liên tục để phục vụ sản xuất kinh doanh. Thường xuyên hướng dẫn việc sử dụng điện an toàn cũng như tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tập huấn về an toàn điện. Đồng thời, chịu trách nhiệm trong trường hợp nhà cung cấp điện không bảo đảm an toàn hoặc gây ra sự cố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật…

z5969640138866-bd4cb208515abdfbe9787f5544a6e1ea-6311-9365.jpg
ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: H. Dương

Ở góc độ khác, ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) cho rằng, nên cân nhắc việc thông qua trong 1 kỳ họp vì việc sửa đổi Luật cần phải chắc chắn và kỹ lưỡng, đặc biệt phúc đáp được thực tiễn. Bởi hiện nay, ngay trong nội tại của Luật cũng có vấn đề không thống nhất được như vấn đề quy hoạch và việc chấp thuận chủ trương đầu tư… Mặt khác, dự thảo Luật có đề cập đến vấn đề “bù chéo giá điện” nhưng không giải thích nội hàm thế nào là “bù chéo giá điện” và cơ cấu như thế nào để không còn tình trạng bù chéo cũng như xây dựng lộ trình thực hiện. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần phải giải thích rõ ràng trong dự thảo Luật.

dsc-1603-7402-8822.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cũng lưu ý nội dung nào cần thiết thì nên làm trong kỳ này, còn nếu không thì cần thống nhất với các luật liên quan. Đồng thời, phải rà soát thêm một số nội dung để bảo đảm tính hợp lý khi triển khai thực hiện.

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.