Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Qua hơn 8 năm thi hành, Luật BHXH 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW cần được triển khai thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật có liên quan theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có Luật BHXH.
Được Chính phủ giao tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nghiên cứu Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) và nhận thấy những nội dung cần được thảo luận sâu hơn, làm rõ và điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH (sửa đổi) lần này.
Trong những buổi làm việc trước đây, các chuyên gia Ngân hàng thế giới nhận định Luật BHXH (sửa đổi) là một trong những luật có tác động lớn tới công tác an sinh xã hội cho người dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hướng tới những tác động tích cực, đặc biệt là việc mở rộng diện bao phủ BHXH, cần phải có những điều chỉnh phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
“Thông qua hội thảo ngày hôm nay, với kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia có thể đưa ra các ý kiến hiệu quả đóng góp cho công tác xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập với khu vực và quốc tế” - Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn chia sẻ.
Trưởng ban Phát triển Con người tại Việt Nam (WB) Christophe Lemiere nhấn mạnh, việc sửa Luật BHXH lần này của Việt Nam có tác động lớn tới công tác an sinh xã hội của người dân, cần có nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh phù hợp, nhất là việc thực hiện được các mục tiêu theo Nghị quyết số 28. Trong đó, để mở rộng diện bao phủ bền vững đòi hỏi phải có những giải pháp táo bạo hơn được thể hiện trong Luật BHXH sửa đổi lần này.
Ông Christophe Lemiere, Trưởng ban Phát triển Con người tại Việt Nam đánh giá, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều thay đổi về chế độ BHXH bắt buộc và tự nguyện; trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng bao phủ với người lao động thời vụ, bán thời gian; khuyến khích sự tham gia BHXH tự nguyện của người lao động phi chính thức với việc tăng trợ cấp mức đóng, bổ sung trợ cấp ngắn hạn.
Về việc tăng tỷ lệ người cao tuổi được nhận trợ cấp hưu trí xã hội, ông Christophe Lemiere đề xuất phương án là giảm độ tuổi đủ điều kiện được hưởng sẽ giúp tăng phạm vi bao phủ. Về việc mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện nằm ở cơ chế khuyến khích, ưu đãi tài chính. Tuy nhiên, theo chuyên gia WB, việc thu hút người tham gia đã khó nhưng để bảo đảm sự bền vững thì thách thức còn lớn hơn.
Dự thảo Luật BHXH đã có một số sửa đổi để thực hiện điều này như quy định liên quan đến BHXH 1 lần. Đây là 1 hướng đi đúng nhưng cần có những lộ trình phù hợp để khả thi trong thực tế. Ngoài các cơ chế khuyến khích thì việc mở rộng diện bao phủ còn cần song hành việc nâng cao nhận thức, xây dựng lòng tin, cải thiện việc quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Từ những trao đổi, chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu nhận định, những kinh nghiệm, bài học quốc tế rất hữu ích, đóng góp tích cực trong sửa Luật BHXH. Tuy nhiên, cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, tình hình tại Việt Nam.
Kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cảm ơn những đóng góp quý báu từ các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và các đại biểu tham dự hội nghị. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục có những hỗ trợ BHXH Việt Nam trong khuyến nghị sửa Luật BHXH và thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Với tầm ảnh hưởng, vai trò của mình, Ngân hàng Thế giới sẽ có những khuyến nghị với các Bộ, ngành khác có liên quan đến việc xây dựng luật và thực hiện chính sách.