Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với yêu cầu bảo đảm tính công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ts. Nguyễn Văn Tiên
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
27/02/2012 10:57

Cần duy trì mô hình Hiến pháp 1992, trong đó có các quy định về định hướng phát triển các lĩnh vực (để thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng), làm cơ sở ban hành các luật sau này. Để tạo sự thống nhất, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, một số điều của Hiến pháp năm 1992 về lĩnh vực y tế, dân số nên sửa đổi nhấn mạnh vào việc bảo đảm tính công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe (hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường trong chăm sóc sức khỏe, vốn đang khá phổ biến hiện nay).

Sau Hiến pháp năm 1992, hành lang pháp lý về y tế, dân số khá đầy đủ

Hiến pháp năm 1992 là bản hiến pháp của thời kỳ đầu của quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Trên cơ sở Hiến pháp 1992, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành, trong đó có các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế, dân số.

Hiến pháp năm 1992 có 10 điều trực tiếp quy định về các vấn đề y tế, dân số (Điều 39, 40, 43, 61, 63, 65, 67, 68, 71 và Điều 75). Trước năm 1992, trong lĩnh vực dân số và y tế, chỉ có duy nhất một văn bản luật liên quan đến sức khỏe con người là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ban hành năm 1989. Song, kể từ sau khi Hiến pháp năm 1992 ra đời, đến nay, hệ thống pháp luật nước ta đã có thêm gần 20 Luật liên quan tới lĩnh vực y tế, dân số gồm: Luật Dược; Luật Phòng, chống vi rút suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể nguời, hiến, lấy xác; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; Luật Người cao tuổi; Nghị quyết 18/QH về đẩy mạnh xã hội hóa y tế...

Như vậy, sau gần 20 năm kể từ khi ban hành Hiến pháp 1992, nước ta đã xây dựng được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, tạo cơ sở quan trọng để  công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế, dân số cũng đã tăng đáng kể, tỷ lệ chi ngân sách cho y tế từ 5% năm 2002 đã tăng lên 8% năm 2009; tỷ lệ chi y tế so với GDP tăng từ 1,7% năm 2002 lên 3,4% năm 2009. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, nhiều công nghệ mới được nghiên cứu  và ứng dụng; việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều cố gắng. Bảo hiểm y tế được hình thành và bước đầu phát huy tác dụng. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn trước, hầu hết các chỉ tiêu tổng quát về sức khỏe của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; xu thế giảm sinh tiếp tục được duy trì và đã đạt mức sinh thay thế trong 6 năm liên tục; chất lượng dân số được nâng lên, sức khỏe sinh sản được cải thiện.

Tuy nhiên, một số nội dung về y tế được quy định tại Hiến pháp năm 1992 chưa được thể chế hóa và triển khai có hiệu quả như: Điều 39 quy định “Nhà nước đầu tư, phát triển và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, huy động và tổ chức mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam theo hướng dự phòng; kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh; phát triển và kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại; kết hợp phát triển y tế Nhà nước với y tế nhân dân; thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe”. Theo quy định của Điều 39, rất nhiều nội dung đã được triển khai rộng khắp như Thực hiện BHYT, kết hợp phát triển y tế Nhà nước với Y tế nhân dân, phát triển y học theo hướng dự phòng… Nhưng nội dung phát triển và kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại thì thực sự chưa làm được nhiều. Cũng tại Điều 39 quy định Nhà nước ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số. Mặc dù trong những năm qua, đã thực hiện đầu tư, chỉ đạo thực hiện theo hướng ưu tiên, chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở miền núi, hải đảo gấp 1,5 đến 2,5 lần so với đồng bằng. Song, kết quả cho thấy sau nhiều năm, vẫn còn sự chênh lệch khá xa về chỉ số sức khỏe của người dân đồng bằng với miền núi, hải đảo. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh ở vùng miền núi, dân tộc, trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi vẫn cao gấp 2 lần so với đồng bằng. Hầu hết các tỉnh miền núi, dân tộc đều kết dư quỹ BHYT, trong khi một số tỉnh miền xuôi  Quỹ BHYT bị thâm hụt. Như vậy chủ trương Hiến pháp đưa ra là đúng, nhưng giải pháp chưa phù hợp. Nguyên nhân của những tồn tại này là bởi, nhiều văn bản luật, pháp lệnh được ban hành nhưng vẫn còn tình trạng luật khung. Sau khi ban hành, Luật cần có văn bản hướng dẫn mới đi vào cuộc sống, nhưng việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm, tạo nên nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện. Trong khi đó, chính quyền các cấp cũng chưa thực sự chủ động trong việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác giáo dục, truyền thông về sức khỏe và dân số chưa được đầu tư đúng mức nên hiệu quả chưa cao. Đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác dân số và y tế còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đối với công tác y tế dự phòng. Công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật chưa được chú trọng đúng mức và thiếu hiệu quả. Bộ máy làm công tác y tế, dân số thay đổi nhiều lần trong 20 năm qua, thậm chí có những thay đổi không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức thực hiện pháp luật liên quan tới y tế và dân số.

Bảo đảm tính công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phân bố lao động giữa các vùng. Các dịch vụ xã hội cơ bản được cải thiện, đời sống của người dân được nâng cao sẽ có tác động tốt đối với sức khỏe. Đồng thời, nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nâng cao, đòi hỏi Nhà nước phải quan tâm nhiều hơn đến chăm sóc sức khỏe người dân.

Đô thị hóa nhanh và tình trạng di dân tự phát từ nông thôn ra thành thị và tới các khu công nghiệp khiến cơ sở hạ tầng xã hội không đáp ứng được nhu cầu của người dân, làm phát sinh nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết liên quan tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và dân số. Những diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh và yếu kém về bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường là những thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hiến pháp 1992 đã ban hành cách đây 20 năm nên một số nội dung không còn phù hợp cho giai đoạn tới và tình hình mới. Đặc biệt, một số nội dung về y tế, dân số cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm quy mô, cơ cấu và phân bố dân số ngày càng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nâng cao chất lượng dân số và tận dụng lợi thế của cơ cấu dân số vàng, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác phòng bệnh, tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công tác này để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Hầu hết các nội dung của Hiến pháp 1992 về dân số và y tế vẫn còn nguyên giá trị và cần được kế thừa khi sửa đổi, ví dụ như các nội dung về y tế dự phòng, về bảo hiểm y tế, về dân số - KHHGĐ; về chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng yếu thế như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, người khuyết tật, người nghèo...

Cần duy trì mô hình Hiến pháp 1992, trong đó có các quy định về định hướng phát triển các lĩnh vực (để thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng), làm cơ sở ban hành các luật sau này. Để tạo sự thống nhất, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, một số điều của Hiến pháp năm 1992 về lĩnh vực y tế, dân số nên sửa đổi nhấn mạnh vào việc bảo đảm tính công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe (hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường trong chăm sóc sức khỏe, vốn đang phổ biến hiện nay); tiếp tục quan tâm chăm sóc sức khỏe cho những người có công, người ở các vùng khó khăn, những người có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi; bên cạnh đó, cần nhấn mạnh việc khuyến khích nâng cao sức khỏe (theo hướng dự phòng, tự người dân chăm lo và kiểm soát tình trạng sức khỏe, sống lành mạnh, khỏe).

Hiến pháp 92

Dự kiến sửa đổi

Điều 39

Nhà nước đầu tư, phát triển và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, huy động và tổ chức mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam theo hướng dự phòng; kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh; phát triển và kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại; kết hợp phát triển y tế Nhà nước với y tế nhân dân; thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ.

Nhà nước ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số.

Nghiêm cấm tổ chức và tư nhân chữa bệnh, sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh trái phép gây tổn hại cho sức khoẻ của nhân dân.

Điều 39

Nhà nước đầu tư, phát triển và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, huy động và tổ chức mọi nguồn lực xã hội xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam theo hướng dự phòng; kết hợp phòng bệnh với chữa bệnh; phát triển và kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại; kết hợp phát triển y tế Nhà nước với y tế nhân dân; thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân.

Nhà nước có trách nhiệm thực hiện chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và dân tộc thiểu số.

Điều 40

Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em; thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình.

Điều 40

Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là phụ nữ có thai, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi. 

Điều 61

Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ.

Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí.

Công dân có nghĩa vụ thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng.

Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma tuý khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm. 

Điều 61

Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ.

Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho mọi người được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế một cách công bằng, bình đẳng.

Công dân có nghĩa vụ thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và nâng cao sức khỏe

Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện, các chất dạng thuốc phiện và các chất ma tuý khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm. 

 

Điều 61b:

Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát quy mô, cơ cấu dân số, phân bổ dân cư các biện pháp nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và.

Điều 67

Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định.

Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc.

Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ. 

Điều 67

Người có công với cách mạng được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định.

Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc.

Người cao tuổi, người khuyết tật nặng, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước và xã hội giúp đỡ.

(Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Điều của Hiến pháp năm 1992 trong lĩnh vực dân số, y tế)

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với yêu cầu bảo đảm tính công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO