Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS.TS. BÙI THẾ DUY, Luật Khoa học và công nghệ cần được sửa đổi để tăng cường việc huy động nguồn đầu tư, sự quan tâm và nguồn nhân lực từ khu vực doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển để theo kịp xu thế chung của thế giới.
Thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ
- Theo dự thảo, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 sẽ được đổi tên thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vậy, dự thảo luật mới sẽ quy định về nội dung đổi mới sáng tạo như thế nào, và liệu có một chính sách riêng biệt về đổi mới sáng tạo trong Luật không, thưa Thứ trưởng?
- Khái niệm đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được định nghĩa trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, và cũng có thể xuất hiện trong một số luật khác. Tuy nhiên, nội hàm đầy đủ của ĐMST cùng các thành tố liên quan đến nó vẫn chưa được quy định rõ ràng trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. ĐMST là quá trình tạo ra các sản phẩm mới, quy trình mới và dịch vụ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra giá trị gia tăng thông qua việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Quá trình này chủ yếu diễn ra tại các đơn vị sản xuất kinh doanh, bao gồm doanh nghiệp và hoạt động sản xuất của người dân.
Để thúc đẩy hoạt động ĐMST, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần sự tham gia hỗ trợ từ nhiều thực thể khác. Ngoài việc ứng dụng công nghệ, ĐMST còn yêu cầu phải thay đổi quy trình quản lý, sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ việc mua sắm dây chuyền máy móc công nghệ mới mà không thay đổi các yếu tố khác sẽ không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Hoạt động ĐMST cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh. Do đó, các đề tài nghiên cứu nên được đặt hàng từ các bộ phận sản xuất kinh doanh, tức là từ doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào các nhà khoa học tự đề xuất.
Sửa đổi Luật lần này dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các luật khác, như Luật Thuế, Luật Đất đai, bằng cách cung cấp các ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động KH-CN và ĐMST.
- Sửa đổi Luật sẽ đưa ra những giải pháp như thế nào để tăng cường nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển, nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030, thưa ông?
- Nhìn lại lịch sử phát triển của các quốc gia có thể thấy, giai đoạn đầu hầu hết lực lượng nghiên cứu và phát triển thường tập trung trong khu vực công, tức là các viện nghiên cứu, trường đại học công lập do nhà nước thành lập. Kinh phí cho nghiên cứu và phát triển chủ yếu cũng được cấp từ ngân sách nhà nước. Để tăng cường đầu tư cho KH-CN, các quốc gia phát triển đã tìm cách nâng cao tỷ lệ đầu tư từ xã hội. Tỷ lệ đầu tư từ Nhà nước sẽ giảm từ mức 100% xuống còn khoảng 30%, trong khi tỷ lệ đầu tư từ xã hội sẽ tăng lên khoảng 70%.
Trong Luật Khoa học và Công nghệ dự kiến tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/một vạn dân. Giải pháp là theo mô hình các quốc gia đã thực hiện, nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào KH-CN. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.
Giải quyết đồng bộ các quy định của Luật với các chính sách tài chính
- Việc sửa đổi Luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm và Viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Vậy, những chính sách nào sẽ được đề xuất trong Luật sửa đổi sắp tới để hỗ trợ các đối tượng này?
- Trong các đề xuất sửa đổi Luật, chúng tôi đã đưa ra một nhóm chính sách và vấn đề mới. Theo đó, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Để phát triển hoạt động KH-CN trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động, và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học.
Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học. Điều này giúp họ có thể tiếp tục tự chủ trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu. Đồng thời, cần xây dựng các trung tâm xuất sắc về KH-CN, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo. Chúng tôi rất mong muốn đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Giống như ở các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động ĐMST tạo từ doanh nghiệp đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học.
- Hiện nay, việc tìm tiếng nói chung giữa các nhà quản lý, nhà đầu tư tài chính và nhà khoa học đang gặp nhiều khó khăn. Các nhà quản lý thường yêu cầu chi tiêu và quản lý ngân sách phải được thực hiện rất chặt chẽ, với việc thu chi và báo cáo thường xuyên. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng lĩnh vực KH-CN thường có nhiều rủi ro, độ trễ và tính mạo hiểm, không phải lúc nào cũng cho kết quả ngay lập tức. Ông có ý kiến gì về nhận định này?
- Nhận định này khá là phù hợp, đặc biệt khi xã hội và đất nước ngày càng phát triển. Những vấn đề mới phát sinh không thể được giải quyết ngay lập tức mà cần sự đồng thuận từ tất cả các lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực đều mong muốn hoàn thành trách nhiệm của mình và chia sẻ với những người làm công tác tài chính, để từ đó họ có thể hoàn thành công việc của mình một cách hiệu quả. Họ chắc chắn mong muốn ngân sách được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, đúng đắn, không thất thoát hay lãng phí, và không để tồn đọng kinh phí. Do đó, cần tìm cách cân bằng giữa hoạt động KH-CN với những yêu cầu này. Đây là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi đang thực hiện thường xuyên.
Ví dụ về vấn đề quản lý tài sản công, cần chia sẻ quan điểm rằng kinh phí nhà nước đầu tư cho kết quả KH-CN nên được xem là nguồn đầu tư lâu dài. Thay vì yêu cầu thanh toán ngay, nên giao kinh phí cho các đơn vị chủ trì và đơn vị sản xuất để họ có thể đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Khi các đơn vị này tạo ra việc làm và đóng thuế cho Nhà nước, chúng ta sẽ thu hồi nguồn vốn qua thuế và tái đầu tư cho hoạt động KH-CN. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan KH-CN và cơ quan tài chính để hiểu nhau và phối hợp hiệu quả.
Chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất trong Luật các quy định về việc xác định cái gì là tài sản và cái gì không phải là tài sản trong kết quả KH-CN. Ví dụ, những kết quả đã được công bố rộng rãi và trở thành tri thức của nhân loại không thể coi là tài sản riêng được. Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ quan điểm này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật Khoa học và công nghệ cũng như các luật khác, để chúng trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động KH-CN và ĐMST.
- Xin cảm ơn ông!