Chính trị

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2023Thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ

Nguyễn Ngọc Thái, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Nam 16/05/2025 06:42

Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một chủ trương lớn của Đảng. Để triển khai thực hiện thắng lợi, trước hết phải thể chế hóa thành các quy định pháp luật. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hết sức quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng, triển khai thực hiện pháp luật.

1(7).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Hồ Long

Hiến pháp là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất của quốc gia, quy định những nguyên tắc cơ bản, định hướng các thể chế chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như việc tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, các văn bản pháp luật khác không được trái với Hiến pháp. Do vậy, sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự phát triển trong tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, để kịp thời triển khai các công việc liên quan theo chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, việc sửa đổi Hiến pháp lần này chưa đặt vấn đề sửa đổi toàn diện mà chỉ tập trung vào các nội dung liên quan theo chủ trương của Đảng. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung bao gồm 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tại các Điều 9, 10 và 84 và các quy định về đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương tại Chương IX.

Tạo sự linh hoạt, điều kiện tiếp tục cụ thể hóa

Trước hết, về tổ chức đơn vị hành chính, Hiến pháp năm 2013 quy định đơn vị hành chính của nước ta theo ba cấp với hơn 10 loại có tên gọi khác nhau. Mô hình này đã tồn tại qua nhiều giai đoạn lịch sử - hành chính, đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng mô hình này hiện cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của từng đơn vị hành chính và việc duy trì cấp trung gian khiến mệnh lệnh quản lý từ chính quyền cấp tỉnh xuống tới cấp xã triển khai chậm, không phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và hội nhập quốc tế dẫn đến hiệu quả không cao.

Theo dự thảo bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Như vậy, Hiến pháp chỉ quy định về nguyên tắc mô hình địa phương hai cấp, không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị ở từng cấp như hiện nay. Bên cạnh đó, việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định sẽ tạo sự linh hoạt, điều kiện để tiếp tục cụ thể hóa trong các luật liên quan, nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đồng thời, bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 8 Điều 74 và khoản 4 Điều 96 của Hiến pháp hiện nay.

Nhấn mạnh vị trí tổ chức trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân

Về tổ chức, hoạt động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Mặt trận) và các tổ chức chính trị - xã hội, Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 xác định Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (khoản 1 Điều 9); nguyên tắc hoạt động cơ bản của Mặt trận và các tổ chức thành viên là phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận (khoản 2 Điều 9). Mặt trận có chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với sự quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.

Khi thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, việc giám sát và phản biện xã hội đòi hỏi phải mạnh mẽ hơn. Mặt trận sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tăng cường giám sát việc thực thi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp chính quyền, giúp bảo đảm tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung đã làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận, nhấn mạnh vị trí là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận cũng được đề nghị sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc. Đây là điều kiện Hiến định trong việc đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. Việc chuyển đổi mô hình tổ chức được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng trùng lặp nhiệm vụ giữa các tổ chức, qua đó nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cải cách thể chế.

Chất vấn - một hình thức giám sát rất quan trọng

Một nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri là quy định về đại biểu HĐND có quyền chất vấn chánh án TAND, viện trưởng Viện KSND. Dự kiến, sẽ không tổ chức tòa án và viện kiểm sát cấp huyện mà thay thế bằng tòa án, viện kiểm sát khu vực (các đơn vị này không gắn với đơn vị hành chính cụ thể). Do đó, dự thảo sửa đổi quy định của Hiến pháp theo hướng không quy định chánh án và viện trưởng thuộc phạm vi chất vấn của HĐND. Cơ sở của đề xuất này là chất vấn không phải hình thức giám sát duy nhất của HĐND; nếu không thực hiện chất vấn, đại biểu HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương (trong đó có tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân) và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu và như thế vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì chất vấn là một hình thức giám sát rất quan trọng, xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; nếu Hiến định quyền chất vấn các cơ quan thực hiện quyền hành pháp mà chưa thực hiện chất vấn đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương là chưa phù hợp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2023 Thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO